Đưa thương hiệu, đặc sản bay xa

09:42, 10/01/2017

Những ngày áp Tết, đi một vòng từ làng nghề chè Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên), tới vùng tập trung trồng bưởi Diễn ở Tiên Hội (Đại Từ), dừng chân ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), chúng tôi nhận thấy không khí lao động của bà con khá sôi động. Cả một năm làm ăn vất vả nhưng thu nhập chính của người dân các làng nghề đều trông vào vụ Tết.

Vào thăm nhà anh Đặng Quang Tuyến - một cơ sở sản xuất miến có quy mô lớn của xóm, chúng tôi thấy hơn 10 lao động đang gấp rút đóng gói miến để chở đi giao cho các cửa hàng. Anh Tuyến chia sẻ: Chiếc ô tô này gần tỷ bạc, cũng từ miến mà ra đấy cô nhà báo ạ. Từ khi sản phẩm miến của làng được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể đến giờ, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong làng nghề không những có cuộc sống ấm no, mà còn làm giàu từ nghề truyền thống.

 

Đúng như khẳng định của anh Tuyến, trao đổi cùng chúng tôi, bác Đỗ Văn Đạt, Trưởng xóm, Trưởng làng nghề miến Việt Cường vui mừng cho biết: “Ngay sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm miến của địa phương, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã mở một số lớp tập huấn về các vấn đề liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tạo lập và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm cho các hội viên làng nghề. Qua các lớp tập huấn, người sản xuất miến của làng nghề đã hiểu được những giá trị mang lại khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm, cùng với đó là ý thức được trách nhiệm đối với chất lượng trên mỗi sản phẩm miến khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Các hộ đã mạnh dạn đầu tư cho quy trình sản xuất miến, đã có trên hộ đầu tư máy ép miến bằng máy thủy lực, số còn lại dùng động cơ để cán miến, góp phần nâng cao sản lượng cũng như giảm nhân công lao động thủ công. 100% các hộ làm miến đều đầu tư giàn phơi miến bằng i-nox đảm bảo vệ sinh. Ban quản lý làng nghề đã phối hợp cùng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng in logo, tem, nhãn ký hiệu sản phẩm và xây dựng mã vạch cho sản phẩm miến của từng gia đình. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” trên thị trường, thông qua Sở Khoa học & Công nghệ, Sở Công Thương, Ban quản lý làng nghề đã mang sản phẩm đi trưng bày, bán tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trên cả nước. Từ khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận đến nay, sản lượng sản xuất miến của làng nghề tăng gần 30% (năm 2016 xuất bán ra thị trường trên 500 tấn miến). Từ làm miến, hiện nay toàn xóm Việt Cường có 8 hộ mua được xe ô tô, tỷ lệ hộ khá giả chiếm 70%, chỉ còn 1 hộ nghèo, số còn lại kinh tế trung bình”.

 

Như vậy, có thể khẳng định việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương có ý nghĩa quyết định đến nâng cao giá trị của sản phẩm. Trao đổi với đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) chúng tôi được biết: Thời gian qua công tác SHTT được Sở KH&CN đặc biệt chú trọng thực hiện tốt, qua đó góp phần đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về SHTT. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về SHTT được duy trì có hiệu quả. Sở KH&CN cũng thường xuyên thực hiện việc giải đáp các câu hỏi, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về SHTT của các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là của các doanh nghiệp. Sở KH&CN đã hướng dẫn và tư vấn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp: nhãn hiệu, sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp... Riêng năm 2016, đã tổ chức 6 lớp tập huấn, hội thảo về nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”; xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Sơn”. Tư vấn cho 100 đơn vị với 91 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và đã có 29 văn bằng sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được cấp.

 

Đặc biệt, Sở KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ KH&CN về SHTT. Thông qua đó, nhiều sản phẩm đặc sản, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được thương hiệu. Cụ thể đến thời điểm này toàn tỉnh có 17 đặc sản được bảo hộ quyền SHTT (gồm 01 chỉ dẫn địa lý, 02 nhãn hiệu chứng nhận và 14 nhãn hiệu tập thể, trong đó đặc biệt có 07 sản phẩm chè và 01 sản phẩm chăn nuôi). Chỉ dẫn Địa lý “Tân Cương”; 2 nhãn hiệu chứng nhận là “Miến Việt Cường Hóa Thượng” (Đồng Hỷ) và “Gà đồi Phú Bình”. 14 nhãn hiệu tập thể gồm: “Chè Thái Nguyên”, “Bưởi Tiên Hội” (Đại Từ), “Bánh chưng Bờ Đậu” (Phú Lương), “gạo Bao Thai Định Hóa”; chè Phổ Yên, chè Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương), chè Trại Cài (Đồng Hỷ), chè La Bằng (Đại Từ); lúa nếp Thầu Dầu (Phú Bình), lúa nếp Vải (Phú Lương), nấm Thái Nguyên, đỗ tương Võ Nhai và mới đây nhất là “Hoa đào Cam Giá” (T.P Thái Nguyên). Sở KH&CN đã phối hợp với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiến hành xác lập thành công 2 kỷ lục cho Trà Thái Nguyên (Kỷ lục Châu Á: Sản phẩm Trà Thái Nguyên thuộc Top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á; Kỷ lục Việt Nam: Thái Nguyên - Thương hiệu Trà danh tiếng được nhiều người biết đến nhất). Hai kỷ lục này đã góp phần nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa cho sản phẩm chè Thái Nguyên. Hiện nay, Sở KH&CN đang làm các thủ tục để xúc tiến đăng ký nhãn hiệu tập thể “chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” ra nước ngoài. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 323 nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ quyền SHTT.

 

Có thể khẳng định, SHTT bảo hộ tốt cho sự phát triển của sản phẩm và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và mỗi quốc gia. Vì vậy trong quá trình hội nhập, hoạt động SHTT, xây dựng thương hiệu là phần không thể thiếu của một nền kinh tế phát triển bền vững, là tiền đề cho sự phát triển kinh tế lâu dài. Đối với Thái Nguyên, những sản phẩm thế mạnh, đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ đã từng bước được nâng cao giá trị kinh tế và tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, từ đó định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.