Xác định ứng dụng khoa học - công nghệ (KH-CN) trong khám, chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, ngành Y tế Thái Nguyên đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá. Các đơn vị y tế trên địa bàn tập trung áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào chẩn đoán và điều trị bệnh; sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại được đầu tư, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm y tế các tỉnh vùng Đông Bắc. Ngành Y tế Thái Nguyên đã tập trung thu hút các nguồn lực, đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, cử cán bộ đi đào tạo chuyên khoa sâu, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đã có các máy móc hiện đại như dao Gama, cộng hưởng từ, siêu âm màu 4 chiều, chụp X quang kỹ thuật số, CT scaner, laze, Doppler tim mạch… và triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, như: Bệnh viện A đã triển khai, ứng dụng thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; kỹ thuật chọc ối để xét nghiệm sớm các dị tật bẩm sinh; tán sỏi đường tiết niệu ngược dòng bằng lazer; phẫu thuật nối mật - ruột các trường hợp u đầu tụy; phẫu thuật tạo thông động - tĩnh mạch tạo cầu nối để chạy thận nhân tạo chu kỳ; lọc máu liên tục trong cấp cứu. Bệnh viện C triển khai kỹ thuật đặt máy tạo nhịp, tim; kỹ thuật gây tê đám rối thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm tại khoa Gây mê Hồi sức; Kỹ thuật giảm đau sau phẫu thuật bằng Morphin do người bệnh tự điều khiển – PCA... Bệnh viện Gang Thép tiếp tục đi sâu và hoàn thiện kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng, tiết niệu, tiêu hóa, tai mũi họng, khớp, mổ u tuyến giáp; ứng dụng laser trong phẫu thuật thẩm mỹ... Bệnh viện Lao và Bệnh phổi triển khai chẩn đoán lao kháng thuốc bằng kỹ thuật X.pert/RIF. Bệnh viện Y học cổ truyền áp dụng điều trị một số bệnh có hiệu quả, như: Liệt nửa người; thiểu năng tuần hoàn não; các bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh về khớp và thần kinh; điều trị u xơ tuyến tiền liệt… Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 91 đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Khối bệnh viện ngoài công lập cũng có đóng góp không nhỏ trong việc triển khai các kỹ thuật cao theo phân hạng, góp phần mang lại nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh. Đặc biệt năm 2016, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã triển khai và làm chủ được kỹ thuật ghép thận từ người cho sống. Các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến, phẫu thuật nội soi trong ngoại khoa - sản khoa, nội soi dạ dày, đại tràng, nội soi tai, mũi họng, chụp UIV, chụp cắt lớp vi tính, nâng cao trình độ trong cấp cứu sản khoa, ngoại khoa, hồi sức sơ sinh, điều trị bệnh da liễu. Đặc biệt, bệnh viện đa khoa các huyện Đại Từ và Phú Bình đã triển khai được kỹ thuật chạy thận nhân tạo chu kỳ giúp giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh… Các trạm y tế xã cũng có đủ trang thiết bị cơ bản để hoạt động, một số trạm đã tích cực ứng dụng y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh, sử dụng có hiệu quả các phương tiện chẩn đoán như siêu âm, điện tim, xét nghiệm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân.
Việc ứng dụng thành công các kỹ thuật trong khám, chẩn đoán, điều trị sẽ nâng cao chất lượng và đảm bảo các dịch vụ y tế cả về phòng bệnh và khám, chữa bệnh trên địa bàn ngang tầm với các bệnh viện của tuyến trung ương, bệnh viện đầu ngành để nhân dân được tiếp cận những kỹ thuật cao ngay tại địa phương. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương mà Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo các tỉnh thực hiện. Ngoài các kỹ thuật đã được ứng dụng thành công tại các bệnh viện, ngành Y tế tiếp tục tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước, chỉ đạo cho từng đơn vị phát triển kỹ thuật chuyên sâu mới, nhận các gói dịch vụ, gói kỹ thuật từ các bệnh viện đầu ngành hoặc các phòng xét nghiệm đầu ngành để triển khai thực hiện, hình thành một mạng lưới khám, chữa bệnh chuyên sâu trên địa bàn có chất lượng cao tương đương với các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện Hà Nội và một số bệnh viện ở trung tâm lớn của cả nước về một số lĩnh vực quan trọng, như: tim mạch, sản khoa, nhi khoa, sơ sinh, ung bướu, chấn thương, chỉnh hình, mắt, lao, bệnh phổi, nội tiết, y học cổ truyền, xét nghiệm, y học dự phòng, chẩn đoán hình ảnh...; và lên kế hoạch phát triển các kỹ thuật chuyên sâu cho từng bệnh viện, xây dựng một số bệnh viện lớn thành bệnh viện vệ tinh của Trung ương... Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng cơ chế chính sách, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế... để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, khẳng định vị thế là trung tâm y tế các tỉnh vùng Đông Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 37/NQ-TW của Bộ Chính trị.