Kính viễn vọng Không gian Hubble vừa phát hiện một lỗ đen khổng lồ lớn nhất từ trước đến nay bên ngoài lõi thiên hà với khối lượng gấp hơn 1 tỷ lần Mặt Trời.
Nghiên cứu mới cho thấy lỗ đen siêu khối lượng này đã thoát khỏi lõi thiên hà của nó bằng sóng hấp dẫn. Lỗ đen vũ trụ còn được coi là quái vật vì khả năng nuốt chửng mọi vật chất trên đường di chuyển.
Lỗ đen quái vật ở cách trung tâm thiên hà của nó 35.000 năm ánh sáng, lớn hơn khoảng cách từ Trái Đất và Mặt Trời tới lõi Dải Ngân Hà của chúng ta.
Các nhà nghiên cứu cho biết "quái vật" này đang di chuyển với tốc độ 7,6 triệu km/h, đủ nhanh để thoát khỏi thiên hà của nó trong vòng 20 triệu năm. Với tốc độ này, nó có thể di chuyển từ Trái Đất tới Mặt Trăng trong 3 phút.
Theo ước tính, nguồn năng lượng đẩy lỗ đen nói trên ra khỏi trung tâm thiên hà có thể tương đương với năng lượng của 100 triệu siêu tân tinh.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng Kính viễn vọng Không gian Hubble của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để nghiên cứu thiên hà 3C186, cách Trái Đất khoảng 8 tỷ năm ánh sáng.
Hình ảnh của Hubble cho thấy nguồn bức xạ giống sao hay còn gọi là chuẩn tinh, dấu hiệu của lỗ đen siêu khối lượng, trong thiên hà trên. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì hầu hết thiên hà đều chứa lỗ đen khổng lồ ở lõi của chúng.
Tuy nhiên, chuẩn tinh của 3C186 lại không nằm ở lõi thiên hà. Các nhà khoa học cho rằng nó là lỗ đen ở cách xa trung tâm nhất từng được phát hiện.
Giả thuyết lý giải cho vị trí kỳ quái của lỗ đen này là thiên hà 3C186 đang sáp nhập với một thiên hà khác và khiến 2 lỗ đen trung tâm của chúng hợp nhất với nhau. Quá trình này có thể đã bắt đầu từ 1 đến 2 tỷ năm trước.
Lỗ đen trung tâm của 2 thiên hà lượn vòng gần nhau và ngày càng tiến lại gần trong vụ va chạm. Hai vật thể khổng lồ sẽ ngừng phát ra sóng hấp dẫn sau khi quá trình sáp nhập hoàn thành.
Nếu giả thuyết này chính xác, đây sẽ là bằng chứng vững chắc cho thấy các lỗ đen siêu khối lượng có thể hợp nhất./.