Nhằm bảo tồn nguồn gen cây Re hương, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã xây dựng Dự án “Bảo tồn nguồn gen cây Re hương (Cinamomum parthenoxylon) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện từ thời điểm tháng 3-2015 đến tháng 3-2018.
Mục tiêu của Dự án là bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của cây Re hương nhằm phục vụ phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường ở một số huyện miền núi của tỉnh. Đồng thời nâng cao nhận thức bảo tồn nguồn gen quý hiếm này để phục vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đào tạo và phát triển sản xuất trong tương lai.
Qua kiểm tra của Sở Khoa học Công nghiệ cho thấy, sau 2 năm thực hiện, Ban chủ nhiệm Dự án đã tổ chức điều tra đặc điểm lâm học, hiện trạng phân bố cây Re hương tại Thái Nguyên; đánh giá hoạt chất làm dược liệu và đặc điểm sinh thái di truyền; nghiên cứu bảo tồn tại chỗ, chuyển chỗ giống cây Re hương; xác định vùng trồng rừng thích hợp cho cây Re hương; tổ chức tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia. Dự án đã xây dựng mô hình vườn giống Re hương quy mô 01ha và mô hình rừng trồng Re hương quy mô 6ha tại huyện Định Hóa và Võ Nhai.
Kết quả sau gần một năm, cây Re hương đã qua giai đoạn thích nghi và bắt đầu sinh trưởng, hình thành tán lá, tỷ lệ sống đạt trên 90%, chiều cao cây đạt từ 0.65-1.1m, bán kính tán lá từ 8-20cm. Sở Khoa học Công nghệ đề nghị Ban quản lý rừng ATK Định Hóa quan tâm, chỉ đạo, cán bộ kiểm lâm khu vực thường xuyên kiểm tra, theo dõi, động viên các hộ trong vùng Dự án tiếp tục bảo vệ, chăm sóc tốt mô hình. Đề nghị Ban chủ nhiệm Dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện mô hình, thực hiện đúng các mục chi, mức chi, hỗ trợ theo quy định, tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo đúng tiến độ được duyệt.