Tấm gương sáng trong lao động sáng tạo

16:02, 01/05/2017

Những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật luôn được Xí nghiệp Cơ khí 59, Nhà máy Z127, Tổng Cục công nghiệp quốc phòng phát động sâu rộng và thu hút được đông đảo công nhân viên, người lao động tham gia. Từ phong trào này đã xuất hiện những tấm gương điển hình tiên tiến, cần mẫn say mê sáng tạo góp phần vào sự phát triển của đơn vị. Đại úy Ngô Đình Quang, nhân viên kỹ thuật, Ban Kỹ thuật Cơ điện của Xí nghiệp Cơ khí 59 là một trong những điển hình của đơn vị.

Nhanh nhẹn, hoạt bát và rất thân thiện đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với Đại úy Ngô Đình Quang. Còn trong công việc, theo nhận xét của đồng nghiệp anh là là người cần mẫn, chịu khó học hỏi và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng hiệu quả vào thực tế. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Quốc phòng, sau này học tiếp Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, với sự say mê sáng tạo và ý thức phải hoàn thành tốt nhiệm vụ với năng suất chất lượng cao, Ngô Đình Quang đã không ngừng nghiên cứu, đề xuất thực hiện các sáng kiến hợp lý hóa sản xuất. Anh đã trực tiếp, cũng như phối hợp cùng đồng nghiệp thực hiện 15 đề tài, sáng kiến với giá trị làm lợi cho Xí nghiệp hàng tỷ đồng.

 

Một trong những sáng kiến mà giá trị làm lợi cho Xí nghiệp trên 1 tỷ đồng do anh chủ trì phối hợp cùng đồng nghiệp là Thiếu tá Nông Tiến Tùng, Phó phòng Kỹ thuật Cơ điện thực hiện gần đây nhất là: Thiết kế, chế tạo hệ thống thu dây cáp đồng phục vụ sản xuất cáp thông tin. Đề tài này đã đoạt giải A, Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong công nhân viên chức lao động tỉnh lần thứ VIII năm 2016 và đoạt giải Nhì, Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2016.

 

Trước khi có giải pháp kỹ thuật, Hệ thống đúc rút dây đồng Ø8 của Xí nghiệp Cơ khí 59 gồm có hệ thống điện điều khiển, điện động lực, hệ thống nồi lò, khuôn đúc… và 03 hệ thống thu dây. Đây là hệ thống đúc rút liên tục dây đồng F8 có công suất tiêu thụ điện năng lớn, sử dụng hệ thống điều khiển bằng máy tính trung tâm. Công suất của lò có thể cùng lúc đúc rút cho ra 05 đầu dây, tuy nhiên hệ thống đầu tư ban đầu từ năm 2012 chỉ có 03 hệ thống thu dây dẫn tới tình trạng lãng phí công suất lò, năng suất thấp trong khi chi phí điện năng cao. Muốn tăng năng suất chỉ có cách duy nhất là phải có thêm hệ thống thu dây. Năm 2014, 2015 Xí nghiệp nhận được nhiều đơn hàng yêu cầu phải cung cấp đủ nguồn dây đồng phục vụ sản xuất cáp điện, cáp thông tin trong thời gian rất ngắn. Lúc này, tính cấp thiết là phải nâng cao năng suất để đáp ứng nhu cầu, mặc dù công suất của lò có thể đúc ra 5 đầu dây nhưng lại chỉ có 03 lô thu. Trong khi đó nếu đặt hàng mua lô thu của nhà sản xuất nước ngoài ở Scotland vận chuyển theo đường tàu biển thì mất quá nhiều thời gian, chi phí thiết bị ngoại nhập tăng cao, trong nước thời điểm này chưa có đơn vị nào cung cấp thiết bị. Trước đòi hỏi của quá trình sản xuất, được sự động viên của lãnh đạo đơn vị, anh Ngô Đình Quang và cộng sự Nông Tiến Tùng đã tập trung nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống lô thu dây cáp đồng phục vụ sản xuất cáp thông tin.

 

Sau hai tháng, nhóm của anh Ngô Đình Quang đã lập trình thiết kế hệ thống điện động lực, thiết kế chương trình điều khiển PLC cho hệ thống lô thu dây mới để có thể thu, rải dây cáp đồng F8 thành các đường xoắn ốc xếp chồng lên nhau thành cuộn, mỗi cuộn có trọng lượng từ 2,5 đến 03 tấn. Thiết bị mới hoạt động hoàn toàn độc lập không can thiệp vào hệ thống điều khiển bằng máy tính trung tâm của thiết bị nguyên bản. Hệ thống cơ khí được thiết kế lại phù hợp với công nghệ chế tạo của đơn vị. Thiết bị mới đáp ứng tất cả các yêu cầu khác như: Hoạt động hoàn toàn tự động, không phát sinh nguyên công, nhân lực vận hành. Đề tài đưa vào áp dụng đã nâng sản lượng sản xuất cáp điện, cáp thông tin cho quốc phòng từ 9 tấn/ngày lên 15 tấn/ngày, (tăng 6 tấn/ngày), đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của Xí nghiệp. Với đề tài này bình quân 1 năm đơn vị tiết kiệm được trên 620 triệu đồng chi phí điện năng,  192 triệu đồng chi phí cho nhân công.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Ngô Đình Quang và Nông Tiến Tùng phấn khởi: Chúng tôi vui nhất là những tâm huyết của anh em đã được lãnh đạo Xí nghiệp quan tâm, lắng nghe và ủng hộ nhiệt tình. Chính sự khích lệ ấy đã giúp chúng tôi có động lực để tiếp tục sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị.

 

Đúng như những gì anh Quang và anh Tùng chia sẻ, trao đổi cùng chúng tôi, Thượng tá Đào Tuấn Nguyên, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí 59 khẳng định: Triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, công nhân viên, chúng tôi trăn trở nhất là làm thế nào để thiết thực, hiệu quả nhất, phù hợp với tính đặc thù của một đơn vị sản xuất. Chính vì vậy, thời gian qua, Xí nghiệp đã chọn khâu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến để tiết kiệm chi phí sản xuất là trọng tâm của phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ. Để thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, Đảng uỷ, chính quyền và công đoàn Xí nghiệp luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy tính năng động sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân quốc phòng. Trung bình mỗi năm, Xí nghiệp có từ 40 đến 60 sáng kiến cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi hàng tỷ đồng, hằng năm số tiền khen thưởng các tác giả, nhóm tác giả là hàng chục triệu đồng. Nhờ quan tâm đến phong trào này, năng suất, chất lượng, sản lượng của Xí nghiệp tăng, tiết kiệm điện năng, đảm bảo an toàn trong lao động.

 

Sáng kiến của Đại úy Ngô Đình Quang đang được Liên đoàn Lao động tỉnh làm thủ tục đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động, cấp Bằng Lao động sáng tạo. Nhận xét về Đại úy Ngô Đình Quang, Trung tá Chu Đại Tuấn, Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng sáng kiến Xí nghiệp Cơ khí 59 khẳng định: Anh Ngô Đình Quang rất chịu khó, làm việc năng nổ, nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, anh Quang rất say mê sáng tạo. Đây là tấm gương sáng để đồng nghiệp noi theo.