Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ

14:25, 06/07/2017

Ngày 6/7, tại Hà Nội, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ phối hợp với Văn phòng Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức hội thảo quốc tế "Chuyển giao công nghệ: Thực trạng Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế". Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong chuyển giao công nghệ, đồng thời giúp cơ quan quản lý xây dựng chính sách, giải quyết bài toán vĩ mô trong chuyển giao công nghệ cũng như giải quyết thách thức khi chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào sản xuất trong nước cũng như đưa công nghệ trong nước vào sản xuất.

Tại hội thảo, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ nhấn mạnh: Trong thời gian qua, hoạt động chuyển giao công nghệ ở Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong muốn, điều này thể hiện ở tỉ lệ "hạn chế" các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tiễn, số lượng và giá trị các hợp đồng chuyển giao công nghệ còn ít, chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Do vậy, hoạt động chuyển giao công nghệ chưa mang lại hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam nên việc thiết lập nền tảng pháp lý tốt để hỗ trợ chuyển giao công nghệ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ thời gian tới.

 

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nêu tổng quan chính sách chuyển giao công nghệ Việt Nam hiện nay, đồng thời giới thiệu những điểm mới trong Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) chính thức được Quốc hội khóa XIV bấm nút thông qua chiều 19/6 vừa qua. Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cùng với các luật, Nghị định như: Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Luật chuyên ngành, Nghị định 133/2008/NĐ-CP, Nghị định 103/2011/NĐ-CP, Nghị định 120/2014/NĐ-CP… là hành lang pháp lý tương đối “hoàn chính”, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ trong thời gian tới.

 

Ông Michael Braun, Chuyên gia khoa học và đổi mới công nghệ Đức hiện công tác tại Việt Nam, người từng có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn chuyển giao công nghệ cho Đức và Châu Âu đã chia sẻ kinh nghiệm và thực trạng hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Ông Michael Braun khẳng định, công nghệ là động lực phát triển, Việt Nam là nước đi sau nhiều nước trong hoạt động chuyển giao công nghệ vì vậy cần có chiến lược để bắt nhịp với công nghệ trên thế giới, tránh bị tụt hậu về công nghệ. Trong hoạt động chuyển giao công nghệ, Việt Nam không thể “bê” nguyên mô hình các nước để áp dụng vào Việt Nam mà phải từ kinh nghiệm các nước cùng với tình hình thực tế Việt Nam để xây dựng chiến lược riêng.

 

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Pháp, Đức… cùng các chuyên gia Việt Nam, đại diện các công ty đã có kinh nghiệm trong chuyển giao công nghệ cũng nêu thực trạng chuyển giao công nghệ tại nước mình và chia sẻ những kinh nghiệm, bài học nhằm mang lại hiệu quả trong hoạt động chuyển giao công nghệ./.