Khi ba “nhà” cùng sát cánh

08:11, 15/11/2017

Những năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Sự đồng hành của Nhà nước, nhà khoa học đã tạo nên hiệu quả rõ rệt về nhiều mặt đối với nhà doanh nghiệp.

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được đẩy mạnh theo hướng tập trung phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với những thành tựu về KH&CN trong nước và quốc tế. Thông qua đó một số doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ để đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, cải tiến sản phẩm… để tạo ra những sản phẩm chất lượng có sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến nay, Thái Nguyên đã tổ chức triển khai trên 200 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh. Trong đó, có trên 30 đề tài, dự án do các doanh nghiệp chủ trị thực hiện. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước là hơn 9 tỷ đồng và các doanh nghiệp đối ứng là trên 12 tỷ đồng. Các đề tài, dự án do các doanh nghiệp thực hiện tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn, khoa học kỹ thuật và công nghệ, xây dựng thôn mới… Nhiều đề tài, dự án do các doanh nghiệp triển khai đã đem lai hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, như: Dự án thử nghiệm sản xuất gạch không nung từ tro xỉ tại Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, dự án đã tận dụng tro xỉ vào sản xuất gạch, block với sản lượng 30.000m3 sản phẩm/năm, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, đa dạng về mẫu mã, kích thước và giá thành thấp phục vụ người tiêu dùng; Dự án ứng dụng KH&CN trong sản xuất giống và chăn nuôi lợn rừng tại tỉnh Thái Nguyên do Công ty Cổ phần khai khoáng miền núi thực hiện đã tạo ra một cơ sở chăn nuôi lợn rừng lai kết hợp giữa phương thức truyền thống và khoa học công nghệ trong quy trình chăn nuôi…

Anh Dương Văn Lượng, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Linh Lượng cho biết: Được sự hỗ trợ của Sở KH&CN, chúng tôi đã đầu tư hệ thống vòi phun tưới chè tự động, lưới che, nhà xưởng và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động của mô hình nhân giống chè. Qua đó, đã góp phần giảm công lao động đến trên 85%, nâng cao năng suất, chất lượng cây chè giống. Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, doanh thu của doanh nghiệp tăng từ 4,7 tỷ đồng/năm lên đến 23-24 tỷ đồng/năm vào thời điểm cao nhất.

Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức và chủ động tham gia vào hoạt động KH&CN, nghiên cứu triển khai nhằm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh của đơn vị, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại… Qua đó, góp phần kết nối giữa các nhà khoa học, nhà quản lý với nhà sản xuất, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng cũng như thị trường. Anh Trần Danh Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại tư vấn và đầu tư Bảo Anh chia sẻ: Bản thân tôi cùng một số lao động trong Công ty cũng tham gia vào quá trình nghiên cứu của Dự án Hoàn thiện công nghệ sản xuất của Đài Loan ứng dụng vào sản xuất nấm Linh chi và nấm hương từ nguồn nguyên liệu gỗ keo lai tại Thái Nguyên. Với việc được tham gia cùng nghiên cứu với các nhà khoa học, giúp cho doanh nghiệp điều chỉnh được hướng phát triển phù hợp hơn với thực tế. Nhờ đó, sản phẩm nấm Linh chi và trà nấm Linh chi của Công ty ngày càng được đón nhận trên thị trường.

Cùng với hỗ trợ triển khai các đề tài, dự án, Sở KH&CN đã hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, lập hồ sơ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến KH&CN… Theo điều tra sơ bộ của Sở KH&CN, các doanh nghiệp đều đánh giá cao sự chuyển biến của tỉnh trong đổi mới căn bản việc quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ như: áp dụng hình thức khoán từng phần, đưa quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh vào hoạt động… Qua đó, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc triển khai các đề tài dự án khoa học và công nghệ được giao.

Bà Phạm Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở KH&CN nhận định: Thông qua sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, có thể  thấy nhận thức về vai trò của KH&CN trong sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã thay đổi, Trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về KH&CN, đông thời thúc đẩy sự gắn kết giữa nhà khoa học, nhà quản lý và nhà sản xuất, Sở KH&CN sẽ tiếp tục ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia vào các đề tài, dự án, đặc biệt là ứng dụng, đổi mới công nghệ, chuyển giao các quy trình kỹ thuật tại địa phương. Đồng thời, Sở sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký trở thành doanh nghiệp KH&CN, thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhằm thức đẩy hơn nữa hoạt động ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.