Với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN), những năm qua, hoạt động phát triển thương mại điện tử (TMĐT) luôn được tỉnh Thái Nguyên quan tâm, hỗ trợ. Đây được xem là cơ hội để các DN tăng cường hợp tác, quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Để các DN chủ động hội nhập, ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh, UBDN tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho các DN. Theo đó, Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối về phát triển TMĐT của tỉnh. Những năm qua, Trung tâm và các đơn vị liên quan đã nỗ lực thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 70 website cho 70 đơn vị, DN, hợp tác xã (HTX), làng nghề trên địa bàn tỉnh. Riêng trong tháng 12-2017, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp tập huấn về ứng dụng TMĐT cho các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn.
Việc phát triển nhanh, mạnh hoạt động TMĐT đã hỗ trợ và góp phần thúc đẩy các đơn vị quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Đơn cử như HTX Miến Việt Cường (Đồng Hỷ). Năm 2012, được sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm xúc tiến thương mại về thủ tục đăng ký, HTX đã có riêng một website là mienvietcuong.com. Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ trang web mà thông tin của chúng tôi được nhiều người biết đến, khách hàng tự tìm kiếm thông tin về sản phẩm và liên hệ với HTX để đặt mua. Từ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi cũng thuận lợi thuận lợi hơn. Miến Việt Cường hiện đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh trên cả nước, tiêu thụ tại các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart… Mỗi ngày, có gần 2 tấn miến của HTX xuất ra thị trường. Không chỉ tham gia vào Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, nhận thấy ưu điểm của TMĐT, tháng 6-2017, HTX tiếp tục tham gia vào Sàn giao dịch Badasa.com.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho Bưu điện gần 5 tạ miến.
Ngoài hỗ trợ xây dựng website cho DN, Trung tâm còn chú trọng duy trì, quản trị và không ngừng nâng cấp website của ngành tại địa chỉ: Congthuongthainguyen.gov.vn với hơn 8,6 triệu lượt truy cập. Trên cơ sở đó, website đã được nâng cấp giao diện trang chủ với các banner rộng rãi hơn, cách thể hiện bắt mắt hơn, lượng thông tin đa dạng, đầy đủ, chính xác… Với 3.000 DN hoạt động công thương, DN đã đăng ký thành viên có thể dễ dàng truy cập và tìm kiếm. Đây được đánh giá là kênh thông tin tiện ích cho các tổ chức kinh tế, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, Trung tâm còn tiếp tục duy trì, vận hành và phát triển Sàn giao dịch TMĐT của tỉnh tại địa chỉ: Thainguyentrade.gov.vn. Hiện tại, Sàn đã có trên 700 đơn vị tham gia, đạt gần 1,9 triệu lượt người truy cập với nhiều tính năng, tiện ích được cập nhật thường xuyên. Các sản phẩm được giới thiệu cụ thể theo danh mục từng ngành hàng, từ nông, lâm thủy sản; dệt may, giày da, thời trang cho tới thiết bị điện tử, viễn thông… có giá cả, xuất xứ, địa chỉ cụ thể. Qua đây, các DN trên địa bàn tỉnh có điều kiện quảng bá hình ảnh của đơn vị mình đến nhiều đối tượng không phụ thuộc vào vị trí địa lý, góp phần đẩy mạnh hoạt động mua sắm của người dân qua mạng Internet. Đồng thời, các DN trong cả nước và quốc tế có thể giới thiệu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết với DN của tỉnh.
Điểm mới trong công tác hỗ trợ phát triển TMĐT năm nay, đó là Trung tâm Xúc tiến thương mại đã phối hợp với một số đơn vị, DN trên địa bàn để xây dựng nên các clip ngắn giới thiệu về các sản phẩm đặc trưng của chính các đơn vị, DN đó. Bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2017 và đăng tải trên kênh Youtube, clip “Trà Thái Nguyên” với phụ đề bằng tiếng Anh đang thu hút sự quan tâm của nhiều người truy cập. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: Việc xây dựng clip giới thiệu sản phẩm là một hoạt động mới do Trung tâm phối hợp với Công ty CP Thương mại dịch vụ và Truyền thông LC Việt Nam thực hiện. Với thời lượng ngắn (khoảng 3-4 phút/video), chúng tôi kỳ vọng đem đến cho người xem thông tin cô đọng nhất, qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đến đông đảo khách hàng trong nước và quốc tế…
Để việc ứng dụng TMĐT đạt hiệu quả cao, hướng tới hỗ trợ toàn diện cho các DN, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu và tìm kiếm đầu ra cho hàng nông sản trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức phát tờ rơi, hỗ trợ in ấn nhãn mác hàng hóa, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho một số đơn vị như: HTX Nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh, HTX Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh, HTX Chăn nuôi và sản xuất nông sản sạch Kim Phượng, Công ty TNHH ORGAMA, HTX Trà Tuyết Tuyết, Công ty cổ phần chè Hà Thái, HTX Chè Hảo Đạt…
Dễ dàng thấy được những lợi ích thiết thực mà TMĐT mang đến cho các DN, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển TMĐT tại một số DN hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là do nguồn nhân lực còn hạn chế, việc triển khai các ứng dụng TMĐT của các DN mới ở giai đoạn đầu nên hiệu quả còn thấp, chưa theo kịp và tương xứng với yêu cầu phát triển chung của tỉnh. Bên cạnh những DN quản lý, vận hành tốt, một số DN đã xây dựng được website song mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp thông tin sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá cả và phương thức thanh toán. Thiết nghĩ, để khai thác tối đa lợi ích của TMĐT đối với các DN trên địa bàn tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, các DN cũng cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng để nhận thức đúng vai trò cũng như đẩy mạnh phát triển TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.