Năm 2017, sản phẩm thuốc chữa đau dạ dày Anti-HPPro của nhóm sinh viên và giảng viên Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) đã giành giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, nằm trong top 10 ý tưởng tham gia vòng chung kết Techfest - ngày hội khởi nghiệp 2017. Để có được thành quả này, các thành viên trong nhóm đã có quá trình lao động, nghiên cứu miệt mài để biến ý tưởng trên giấy thành một sản phẩm có thể sử dụng.
Anh Lưu Hồng Sơn, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học – công nghệ thực phẩm Trường Đại học Nông lâm (ĐHNL), Trưởng nhóm nghiên cứu Sản phẩm chia sẻ: Ý tưởng về thuốc Anti-HPPro xuất phát từ những kinh nghiệm dân gian về công dụng của lá cây bồ đề trong điều trị bệnh dạ dày. Ban đầu, đây chỉ là một đề tài cấp cơ sở do Khoa Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm thực hiện. Tuy nhiên, để tăng tính thực tiễn và mở rộng phạm vi nghiên cứu, chúng tôi đã kéo các sinh viên cùng vào làm việc, tạo môi trường cho các em được thử sức với việc nghiên cứu khoa học.
Trên thực tế, hiện nay, bệnh dạ dày được chữa theo 3 phương pháp chính. Phương pháp thứ nhất là điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ khiến những vi khuẩn kháng kháng thuốc và diệt đi những lợi khuẩn. Phương pháp thứ hai là điều trị bằng thảo dược là thảo dược nhưng không hiệu quả, giá thành cao, có thể dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm. Phương pháp thứ ba là thuốc từ trong dân gian, tri thức bản địa nhưng không phổ biến rộng, và gây bất tiện cho người sử dụng. Theo đó, sản phẩm Anti-HPPro sẽ kết hợp phương pháp thứ hai và ba.
Em Vũ Thị Hằng, thành viên trong nhóm chia sẻ: Khi được các thầy cô động viên tham gia nghiên cứu chúng em khá do dự. Vì nghiên cứu một đề tài lớn như vậy cần nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm, trong khi những thứ này sinh viên còn tương đối hạn chế. Tuy vậy, khi nghe thầy cô giải thích về ý nghĩa của đề tài, em rất tâm đắc và quyết định tham gia nhóm nghiên cứu.
Năm 2016, với sự hướng dẫn của giảng viên Lưu Hồng Sơn, Giảng viên khoa Công nghệ sinh học, nhóm đã tập hợp 5 bạn sinh viên năm thứ hai đến năm thứ 4 có niềm đam mê bắt đầu vào quá trình nghiên cứu khoa học. Nhóm được nhà trường hỗ trợ 10 triệu đồng, cơ sở vật chất, chi phí cho mua nguyên vật liệu, dụng cụ thí nghiệm…
Sinh viên Nguyễn Ngọc Anh, thành viên trong nhóm nghiên cứu bộc bạch: Trước khi vào thí nghiệm, chúng tôi phải phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước cộng thêm tri thức bản địa. Mỗi bạn trong nhóm phân chia nhau chủ động nghiên cứu các lĩnh vực cụ thể và tổng hợp lại. Khoảng thời gian này, lúc nào đi học các thành viên đều mang theo sách theo để tranh thủ thời gian rảnh rỗi.
Sau quá trình nghiên cứu tài liệu, cả nhóm bắt tay vào quá trình làm thí nghiệm. Dù phải làm thí nghiệm liên tục nhiều ngày nhưng các thành viên trong nhóm vẫn phải đảm bảo thời gian lên lớp. Sinh viên, Dương Thị Hà thành viên trong nhóm chia sẻ: Lịch học của chúng em khá dày, mỗi tuần từ 4-5 buổi, vì thế chúng tôi thường tranh thủ làm thí nghiệm vào buổi tối. Có những hôm cả nhóm phải làm thí nghiệm đến 12 giờ đêm. Trong nhóm có bạn nhà xa, cách trường 40 cây số nhưng hàng ngày vẫn tham gia đầy đủ các buổi họp.
Em Phạm Lan Hương, thành viên trong nhóm tâm sự: Em nhớ nhất là khi tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp cấp tỉnh. Cả nhóm phải chuyển cây bồ đề cao hơn 2m từ cách đó hơn 50km về để trưng bày tại cuộc thi. Dù đã thuê xe chở nhưng để tiết kiệm chi phí, chúng em thay nhau vận chuyển cây lên, xuống xe và từ cổng vào nơi trưng bày. Dù các thành viên trong nhóm đều là nữ nhưng không khí vẫn rất vui vẻ. Hay có lần, để tiết kiệm được chi phí, chúng em đã lên các chùa Phủ Liễn xin lá bồ đề về làm thí nghiệm. Vì xin nhiều lần quá nên sư trụ trì chùa Làng Cả (xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên) quyết định tặng luôn cây bồ đề cho Nhóm.
Còn em Tô Hồng Anh nhớ lại: Chúng em đã làm thí nghiệm đến hàng trăm lần, trong đó, thời gian đầu hầu hết là thất bại. Có những lần gần thành công thì lại hỏng vì những lỗi rất nhỏ như dán sai nhãn nên phải làm lại cả quá trình. Những lúc như vậy chúng em rất thất vọng và muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của thầy cô và các em, chúng em lại tiếp tục cố gắng.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, nhóm đã xác định được nguyên liệu để làm ra sản phẩm gồm là bồ đề, chè dây và lá khôi. Từ hướng này, các thành viên tiếp tục nghiên cứu thêm để hoàn thành sản phẩm thuốc chữa đau dạ dày. Thầy Lưu Hồng Sơn thông tin: Một nghiên cứu mới đây tại Hà Nội cho thấy, cứ 1.000 người dân thì có tới hơn 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP, 90% số người bị viêm dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Tại các nước như Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…, thuốc chữa các bệnh đau dạ dày, làm lành vết thương, liền sẹo được chiết xuất từ lá cây bồ đề, nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa trên thị trường. Trong dân gian, cây bồ đề là một loại cây có nhiều công dụng như chữa ho, long đờm, chữa chứng hàn … Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam hầu như chưa công ty dược phẩm nào bào chế được loại thuốc này. Sau quá trình nghiên cứu thành công, thuốc Anti-HPPro được đánh giá có tác dụng diệt, ức chế vi khuẩn HP, trung hòa dịch vị, làm khô se vết loét và lên da non, triệt được hoàn toàn mầm mống của bệnh đau dạ dày.
Em Lê Thị Nga, sinh viên năm thứ hai cho biết: Sau khi bào chế thành công thuốc dạng viên, từ quá trình nghiên cứu, em đã nảy sinh thêm ý tưởng về một sản phẩm mới đó là chế phẩm dạng xịt để chống muỗi được chiết xuất từ cỏ mần trầu và thảo mộc. Được sự động viên của thầy cô, em đã bắt tay ngay vào nghiên cứu. Mới đây, sản phẩm của em đã đạt giải Nhất tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường, em được Nhà trường hỗ trợ 30 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm..
Sau khi hoàn thành nghiên cứu, em Lê Thị Tâm, thành viên trong nhóm cho biết: Trước đây, em nghĩ nghiên cứu khoa học thực sự là công việc khó. Đặc biệt, đó là công việc tìm kiếm và khám phá những điều chưa biết, kết quả tìm kiếm ra sao cũng không thể dự đoán chi tiết, chính xác được. Vì vậy, đây là lĩnh vực không tưởng đối với sinh viên. Tuy vậy, nhờ sự chỉ dẫn từ phía các thầy, cô em đã thay đổi quan điểm này và tự tin hơn trong việc trình bày các ý tưởng của mình.
Hỏi về những dự định tiếp theo, thầy Lưu Hồng Sơn cho hay: Nhiều doanh nghiệp dược đã ngỏ lời mua công nghệ nhưng chúng tôi muốn phát triển Anti-HPPro thành sản phẩm mang thương hiệu của riêng trường. Tạo tiền đề để thực hiện những dự án nghiên cứu khoa học tiếp theo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển sản phẩm sang dạng nano viên nén hoặc viên nang mềm để hấp thụ vào cơ thể tốt hơn. Dự kiến năm 2018, chúng tôi sẽ thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ để chủ động sản xuất và phát triển nhiều sản phẩm thuốc, mang thương hiệu của Khoa