Ngày 27-4, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo khoa học:“Thực trạng giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”. Tham dự Hội thảo có đại diện một số sở, ngành, địa phương.
Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi của Thái Nguyên giảm 3,19% so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 5,53%, các xã An toàn khu giảm 3,93%. Để đạt được kết quả này, những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách dân tộc, giảm nghèo. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất ở các xã đặc biệt khó khăn đã được cải thiện rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà con; công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục được quan tâm; sản xuất nông, lâm nghiệp có bước chuyển tích cực theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ… Tuy nhiên, giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: nhiều đối tượng không thể hoặc khó thoát nghèo (trẻ mồ côi, người cao tuổi không nơi nương tựa, người nhiễm HIV…); công tác thông tin, truyền thông ở các vùng khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận người dân; việc đầu tư trang thiết bị y tế, giáo dục còn nhiều khó khăn, thiếu vốn xây dựng cải tạo một số bệnh viện, trạm y tế…
Các ý kiến tại Hội thảo tập trung vào đánh giá thực trạng các nhân tố tác động đến vấn đề đói nghèo của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh: đặc điểm điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thực trạng về giáo dục, đào tạo; an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh…); nhà ở; điều kiện sống; tiếp cận thông tin… Tại Hội thảo, nhiều giải pháp cũng đã được đề ra: cần tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh dạy nghề cho đồng bào DTTS, thực hiện tốt chính sách tín dụng với người nghèo…