Các nhà khảo cổ Viện nghiên cứu Hakai và ĐH Victoria ở bang British Columbia (Canada) vừa công bố kết quả tìm kiếm khảo cổ tại khu vực đảo Calvert đã phát hiện ra những dấu chân của con người từ cách đây 13 nghìn năm. Đây không chỉ là phát hiện chấn động giới khảo cổ mà còn mở ra những nghiên cứu về vùng đất châu Mỹ ở kỷ Băng hà.
Cách đây 13 nghìn năm, có ba người rời khỏi tàu của mình đổ bộ lên bờ ở khu vực bờ biển Canada, và họ đột ngột dừng lại để xem cái gì đó. Thật thú vị khi nghĩ một phần trong chuyến hành trình của họ được giữ kín cho tới tận ngày nay. Những dấu chân thuộc kỷ Pleistocene này là những dấu chân cổ nhất của loài người ở Bắc Mỹ, tuy nhiên các nhà nghiên cứu còn mong đợi khám phá này sẽ khiến cho những cuộc tìm kiếm được đẩy mạnh hơn, để tìm thấy thậm chí những dấu chân cổ hơn.
Năm 2014, nhà khảo cổ học Duncan McLaren từ Viện nghiên cứu Hakai và ĐH Victoria ở bang British Columbia (Canada) đã tìm kiếm ở khu vực bờ biển thuộc đảo Calvert, British Columbia, Canada cùng một đội ngũ nhà khoa học và đại diện của hai bộ tộc Heiltsuk và Wuikinuxv. Họ rất hứng thú khi tìm thấy các dấu tích khảo cổ khi mực nước xuống thấp hơn khoảng 2-3m so với kỷ Băng hà cách đây từ 11 đến 14 nghìn năm.
Khi thực hiện cuộc tìm kiếm này, các nhà khảo cổ vẫn không thể nghĩ được rằng mình sẽ tạo ra một dấu mốc vô cùng quan trọng đối với ngành khảo cổ, tìm thấy được dấu chân người cổ nhất Bắc Mỹ tính đến nay. Dấu chân đầu tiên trong số 29 dấu chân vẫn còn rõ nét được “bảo quản” trong lớp đất sét nhẹ và cho đến tận năm 2014 mới bắt đầu có bàn tay con người chạm đến.
Những dấu chân rất rõ từng vết ngón chân, phân biệt với dấu chân động vật.
Trong hai năm tiếp theo, các nhà khoa học mở rộng khu vực khai quật và phát hiện ra thêm nhiều dấu chân hơn. Các dấu chân có kích cỡ rất đa dạng và các nhà khảo cổ tin rằng đây là dấu chân của hai người lớn và một trẻ nhỏ. Hầu hết các dấu chân đều rất rõ nét, cho thấy những người này có thể là đi chân trần khi họ lên bờ.
Thông báo của cuộc khảo cổ cho biết, tạm thời xác định dấu chân này là của con người và không phải dấu chân của loài gấu đen lớn hoặc gấu xám Bắc Mỹ vốn có nhiều trên đảo, nhưng lại không có ở khu vực chung quanh đây.
Theo tờ Newsweek, nhóm nghiên cứu tìm thấy nhiều dấu chân hơn, nhưng bị nhấn khá sâu nên không đo đạc được. Dấu chân bên trong lớp đất sét sở dĩ giữ được lâu là bởi vì chúng bị cát lấp đầy, thêm một lớp sỏi dày và cuối cùng là thêm một lớp đất sét nữa. Xác định niên đại bằng phương pháp carbon cho thấy những dấu chân và hai miếng gỗ được tìm thấy ở cùng vị trí này có niên đại lên tới 13 nghìn năm trước.
Nhà khoa học Michael Petraglia của Viện Max Planck chuyên nghiên cứu lịch sử loài người cho biết: “Đây là một kết quả tìm kiếm có ý nghĩa to lớn đối với ngành khảo cổ và là một kỷ lục đáng ghi nhận trong giới. Thông thường các dấu chân ít khi được bảo quản lâu dài và cũng ít được các nhà khảo cổ để ý”.
Các dấu chân này không tạo thành một đường mòn rõ ràng, các nhà khoa học cho rằng có thể con người tập trung hoạt động ở một khu vực. Những dấu vết này để lại trên phần đất gần bờ biển, có thể là kết quả của một nhóm người đi từ thuyền lên và di chuyển hướng về vùng đất khô ráo hơn trong khu vực về hướng Bắc hoặc Tây Bắc.
Nhà khảo cổ học Duncan McLaren cho biết: “Nếu như hòn đảo này đã được tàu biển tiếp cận 13 nghìn năm về trước, thì những dấu chân này có thể là của những người đi biển dùng thuyền để đi quanh quanh trong vùng, tìm kiếm thức ăn, nơi sinh sống và khám phá hòn đảo”.
Các dấu chân có kích cỡ khác nhau.
Những dấu chân được tìm thấy trên đảo Calvert cũng cung cấp thêm nhiều chứng cứ củng cố cho giả thiết về cuộc di cư của nhiều chủng tộc người đến châu Mỹ. Đặc biệt, đó cũng là bằng chứng cho thấy con người đã di chuyển từ châu Á men theo bờ Thái Bình Dương và không đi vào sâu trong đất liền. Nhà khoa học McLaren nói: “Điều này cung cấp bằng chứng cho thấy con người từng sinh sống ở đây vào cuối kỷ Băng hà. Có thể vùng bờ biển chính là nơi mà con người thâm nhập vào châu Mỹ trong thời kỳ đó”.
Còn nhà khoa học Michael Petraglia bổ sung: “Đó không chỉ đơn thuần là dấu chân, một loại dấu tích khảo cổ lạ và hiếm gặp, mà còn nói lên nhiều thông tin về niên đại của thời kỳ này. Nó cho biết loài người đã đổ bộ vào châu Mỹ từ rất sớm”.
Đảo Calvert, vùng bờ biển nơi phát hiện các dấu chân cổ.
Nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, phát hiện này giúp mở rộng cánh cửa để thực hiện thêm nhiều nghiên cứu tiếp theo: “Kết quả phát hiện này mới chỉ ở giai đoạn ban đầu và ở khu vực bờ biển. Chúng tôi đang làm việc để thu thập thêm nhiều thông tin về khu vực này về tình trạng của băng trong khoảng cuối kỷ Băng hà và sau đó trên biển khi nước biển lên hoặc xuống ở nhiều mức khác nhau. Công việc nghiên cứu về thời cổ sinh vật này sau này sẽ góp phần hình thành nên nghiên cứu về thời kỳ đầu cùng với sự hình thành vùng biển Thái Bình Dương ngoài khơi Canada”.