Nhân dịp kỷ niệm 5 năm Ngày Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam lần đầu tiên được công bố (18-5), để tìm hiểu rõ hơn về những đóng góp của hoạt động KH-CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.
P.V: Thưa đồng chí, những năm qua, KH-CN đang từng bước thể hiện vai trò là động lực và nền tảng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Xin đồng chí cho biết những đóng góp của hoạt động KH-CN trong giai đoạn vừa qua?
Đ/c Trịnh Việt Hùng: Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những đột phá đáng ghi nhận, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều tăng theo từng năm. Riêng năm 2017, Thái Nguyên đã đạt được thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao 12,6% so với năm 2016; GRDP bình quân đạt 65 triệu đồng/người./năm. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch mạnh sang công nghiệp - dịch vụ, tỷ trọng chiếm 77,4%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 12,6% GRDP của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, đạt trên 571.000 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2016; giá trị xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm trước. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể để đo đếm được những đóng góp của KH-CN cho tăng trưởng kinh tế, nhưng phải khẳng định là có những đóng góp nhất định từ các hoạt động KH-CN của tỉnh ta.
Để nêu cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp phát triển KH-CN, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức KH-CN Viïåt Nam, ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH-CN đã được thông qua. Trong đó, tại Điều 7 có quy định lấy ngày 18-5 hằng năm là Ngày KH-CN Việt Nam. Chủ đề của Ngày KH-CN Việt Nam năm 2018 là "KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”. |
Đó là sự đóng góp của các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển theo chuỗi giá trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp; nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh. Đặc biệt là góp phần tạo bước phát triển mạnh về kinh tế phải nói đến những đóng góp từ phía các doanh nghiệp, họ đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, đổi mới sáng tạo trong việc đa dạng hóa các sản phẩm, chất lượng sản phẩm, chính điều này đã đóng góp vào thành tích hoàn thành vượt mức chỉ số sản xuất ngành công nghiệp. Với lợi thế có nguồn nhân lực KH-CN cao trong khu vực, là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 trên cả nước, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận từ nhiều nguồn đầu tư cho các hoạt động KH-CN (chứ không riêng ngân sách tỉnh), chính các nguồn lực này đã tạo ra các cú hích tăng trưởng và phát triển bền vững trên mọi mặt của đời sống xã hội.
P.V: Những kết quả đạt được từ hoạt động KH-CN mang lại là rất ấn tượng. Tuy nhiên, từ góc độ nhà quản lý, xin đồng chí cho biết còn có những hạn chế, rào cản nào đối với hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh?
Đ/c Trịnh Việt Hùng: Xác định KH-CN luôn phải đi trước, tạo đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn vừa qua, UBND tỉnh đã chủ động, thường xuyên và quyết liệt chỉ đạo hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực KH-CN cũng được tập trung thực hiện nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động KH-CN; phê duyệt kế hoạch hoạt động KH-CN 5 năm, hàng năm. Phê duyệt quy hoạch phát triển KH-CN tỉnh Thái Nguyên đến 2025, tầm nhìn 2030; hoạt động KH-CN ngày một đa dạng và có hiệu quả thiết thực.
Song đến nay, hoạt động KHCN còn có những hạn chế, đó là: KH-CN chưa tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội và tái cơ cấu nền kinh tế; công tác quản lý và điều hành các hoạt động KH-CN còn có những bất cập; tiềm lực KH-CN chưa đủ mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có những thành tựu mang tính riêng có của Thái Nguyên.
Nguyïn nhên là do cơ chế, chính sách quản lý cũng như khuyến khích hoạt động KH-CN đã có những đổi mới, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; còn thiếu những chuyên gia đầu ngành trong những lĩnh vực chuyên sâu về KH-CN; đầu tư cho KH-CN còn ở mức thấp.
P.V: Xin đồng chí cho biết giải pháp quản lý trong thời gian tới là gì?
Đ/c Trịnh Việt Hùng: Trước tiên phải nói đến thỏa thuận hợp tác KH-CN giữa tỉnh và Đại học Thái Nguyên, với nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu KH-CN là 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, để tạo động lực cho phát triển KH-CN, một trong những giải pháp cần chú trọng ưu tiên thực hiện là xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho KH-CN, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, coi đây là nguồn lực chính. Các doanh nghiệp cần tạo lập quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp mình để chủ động đầu tư cho hoạt động KH-CN. Tạo sự quan tâm của doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tới phát triển KH-CN. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, KH-CN dự đoán sẽ phát triển nhanh, do đó, để kịp thời thích nghi với bối cảnh mới đòi hỏi mức độ quan tâm, đầu tư của toàn xã hội cho KH-CN phải tương xứng.
Hai là, nâng cao khả năng liên kết và đóng góp của các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp cho KH-CN. Cần tiếp tục thực hiện quá trình chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đối với các cơ quan nghiên cứu Nhà nước theo hướng tăng quyền tự chủ. Các cơ sở đó phải bám sát các mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội theo các tiêu chí về chức năng và tài trợ rõ ràng, bao gồm các tiêu chí dựa trên kết quả hoạt động ở cấp độ thích hợp.
Ba là, đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN. Cần nghiên cứu xây dựng hệ thống các tổ chức hỗ trợ trung gian hiệu quả nhằm gắn kết hai bên cung - cầu của thị trường KH-CN, đẩy mạnh quá trình thương mại hóa sản phẩm, gia tăng sản phẩm KH-CN trên thị trường và tăng cường đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Cơ chế quản lý đối với KH-CN đã có sự đổi mới mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, nhất là tính tới hội nhập KH-CN và đặc biệt là cuộc cách mạng KH-CN lần thứ tư thì cần đổi mới một cách căn bản cơ chế quản lý, nhất là thể chế tài chính đối với KH-CN.
Nghiên cứu KH-CN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Chính vì vậy, cần có sự chung tay vào cuộc của các bên, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà quản lý thì mới có thể tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động KH-CN và tạo ra các sản phẩm KH-CN có giá trị.
KH-CN phải phục vụ sản xuất, vì thế mấu chốt của vấn đề là KH-CN phải giúp tăng năng suất hiệu quả của nền sản xuất. Vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học và các nhà quản lý phải giải quyết bài toán: Một là, tạo ra nguyên liệu mới, sản phẩm giúp khả năng cạnh tranh tốt hơn, giá trị gia tăng cao hơn hoặc thay thế việc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa từ nước ngoài với chi phí thấp hơn; Hai là, cải tiến, tối ưu hóa các quá trình sản xuất, kinh doanh, từ đó giải phóng sức lao động của con người bằng máy móc, thiết bị để giảm bớt lao động nặng nhọc, thủ công, đồng thời rút ngắn thời gian làm việc và nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập, từng bước làm giàu chính đáng.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!