Có thể thấy, tăng cường kiểm soát nguồn phóng xạ đang là thách thức đặt ra đối với toàn xã hội, trong đó đặc biệt cần được quan tâm tại những địa phương đang trên đà phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa như Thái Nguyên hiện nay. Theo thống kê từ Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN)và các huyện, thành, thị, toàn tỉnh hiện có trên 20 cơ sở tái chế nhựa, kim loại nhỏ lẻ và hơn 1.000 cơ sở thu mua phế liệu. Đây là những nơi cần có sự kiểm soát về nguồn phóng xạ.
Tại Việt Nam đã từng xảy ra nhiều sự cố mất nguồn phóng xạ tại các đơn vị: Công ty CP Xi măng Việt Trung (năm 2003); Nhà máy Xi măng Sông Đà (Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà - năm 2006); Viện Công nghệ Xạ hiếm thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (năm 2006) và gần đây là tại Công ty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương (năm 2014); Công ty Ponima 3, Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 2015) và tại Công ty CP Xi măng Bắc Kạn (năm 2015). |
Thái Nguyên hiện có 36 cơ sở bức xạ tập trung trong các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám y tế và kinh doanh vàng bạc có liên quan đến nguồn phóng xạ; 24 nguồn phóng xạ sử dụng trong các thiết bị bức xạ tại các cửa hàng vàng bạc và trong các nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất giấy, khai thác khác khoáng sản. Cùng với đó, với hệ thống đầu mối giao thông thuận tiện, nguy cơ tiềm ẩn nguồn phóng xạ thất lạc trên địa bàn tỉnh cũng có thể xảy ra. Vậy nên tăng cường nhận thức cho chủ các cơ sở thu mua và tái chế phế liệu kim loại sẽ phần nào góp phần loại bỏ những nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến người thu mua, sản xuất tái chế phế liệu kim loại và cho cộng đồng xã hội.
Sau khi được một cán bộ Sở KH-CN giới thiệu những dấu hiệu cảnh báo về nguồn phóng xạ, anh Nguyễn Văn Sỉu, chủ cơ sở Linh Sỉu, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết: Những biểu tượng mà cán bộ Sở giới thiệu, chúng tôi chỉ nghĩ là cảnh báo nguy hiểm, không biết đó là chất phóng xạ. Từ trước tới nay cơ sở chỉ được tham gia tập huấn về an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy chứ chưa được tập huấn về an toàn phóng xạ. Nếu mua phải những thiết bị có biểu tượng này chắc chắn tôi sẽ cảnh giác, báo cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.Còn ông Dương Trọng Hiền, chủ cơ cơ sở thu mua phế liệu Hiền Mai, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) thì cho hay: Đối với những vật liệu mà biểu hiện cảnh báo bị mờ thì chúng tôi cũng rất khó nhận biết.
Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu tại Công ty TNHH đúc Nam Ninh (phường Mỏ Chè, T.P Sông Công), đơn vị hiện sản xuất gần 40 chủng loại thành phẩm xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Đức… Theo ông Nguyễn Văn Đừng, phụ trách về an toàn lao động của Công ty, để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất ra nước ngoài nên nguyên liệu thu mua phục vụ đúc gang luôn phải đặt lên hàng đầu, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không thu mua nguyên liệu tự do, trôi nổi. Vậy nhưng, sau khi trao đổi với cán bộ chuyên môn mới thấy rằng Công ty chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ và cách phòng tránh việc lọt nguồn phóng xạ trong khâu tuyển lựa nguồn vào. Trong thời gian tới, Công ty sẽ mua thiết bị đo phóng xạ để đảm bảo an toàn cho công nhân.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH-CN cho biết: Thời gian qua, Sở KH-CN đã phối hợp với Phòng kinh tế hạ tầng các huyện tăng cường đến các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu để phổ biến kiến thức về nguồn phóng xạ ngoài kiểm soát. Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về mức độ nguy hại của nguồn phóng xạ, chưa nhận biết đầy đủ chính xác về các vật thể hoặc các thiết bị có chứa nguồn phóng xạ, các dấu hiệu cảnh báo liên quan đến nguồn phóng xạ nguy hiểm hơn là biểu tượng cảnh báo phóng xạ trên phế liệu bị mờ, bị mất không nhận diện được... Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cho người dân còn gặp nhiều hạn chế vì các cơ quản quản lý, các cấp, ngành chưa đủ chuyên môn sâu.
Theo ông Dũng, để đảm bảo an toàn nguồn phóng xạ ngoài kiểm soát, bên cạnh trách nhiệm của Sở KH-CN thì cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan như công an, tài nguyên và môi trường, kinh tế hạ tầng các huyện trong việc phối hợp tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở thu mua phế liệu; phổ biến cho người dân khi phát hiện hoặc nghi ngờ có các vật thể, thiết bị có cảnh báo phóng xạ bị mất cần phải kịp thời di dời khởi khu vực nguy hiểm, tránh tiếp xúc và báo cho chính quyền địa phương; nếu nghi ngờ bị nhiễm phóng xạ cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra...