Trường Đại học Việt Bắc: Đào tạo gắn lý thuyết với thực hành và nghiên cứu khoa học

09:26, 03/08/2018

Chương trình đào tạo thực hành gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) là biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Với hướng đi: Lấy sản phẩm NCKH làm thước đo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Việt Bắc đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong hệ thống các trường đại học của khu vực.

Đặc thù của nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ là yêu cầu cao về thực hành, vừa để nắm vững kiến thức lý thuyết, vừa để thành thạo với các loại máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ... Vì vậy, bên cạnh việc học trên lớp, các sinh viên phải dành rất nhiều thời gian ở các xưởng thực hành. Tại đây, các sinh viên được trang bị các kỹ năng sử dụng các thiết bị đo lường kỹ thuật số như máy tạo xung, máy tạo dữ liệu, bộ đếm, máy phân tích và kiểm tra số liệu,...; củng cố kiến thức, kỹ năng thiết kế các mạch logic, mạch tổ hợp, các bộ mã hóa và giải mã, mạch đa hợp… Ngoài ra, sinh viên còn thực hành một số kỹ năng khác như làm việc nhóm, ghi chép báo cáo, đọc hiểu mạch, tìm hiểu và nắm được chức năng các IC số.

Là sinh viên đang thực tập tại Xưởng thực hành kỹ thuật (có diện tích trên 3.000m2) với nhiều trang thiết bị hiện đại của Trường Đại học Việt Bắc, sinh viên Kiều Thị Hương, Lớp K1 - Kỹ thuật điện tử cho biết: “Ngay từ năm thứ nhất, chúng tôi đã được thực hành tại xưởng, từ năm thứ 3, 4 đi thực tập tại các công ty nên ngoài kỹ năng nghề, chúng tôi còn học được kỷ luật lao động để làm việc chuyên nghiệp”.

Em Phạm Văn Tuấn, Lớp Kỹ thuật điện tử cho hay: “Khi dạy lý thuyết, các thầy cô gắn với bài tập thực hành nên em nắm bắt có có khẳ năng ứng dụng thực tế. Em tin vào khả năng sau này ra trường sẽ có việc làm ổn định”.

Ông Dương Quốc Hưng, Giảng viên Trường Đại học Việt Bắc chia sẻ: Thực tế cho thấy hoạt động NCKH của sinh viên tại Trường có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận tốt nghiệp hay thực hiện những NCKH ở cấp khoa, trường… Khi tiến hành thực hiện NCKH, sinh viên sẽ có điều kiện để tiếp cận với các đề tài ở quy mô nhỏ, cùng với sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên sẽ định hình được cách thức, quy trình để thực hiện một công trình NCKH chất lượng, hiệu quả. Không chỉ vậy, hoạt động này còn góp phần phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng tư duy độc lập, tự học hỏi của sinh viên.

Mặc dù mới thành lập nhưng Nhà trường cũng xác định việc tổ chức cho sinh viên tham gia NCKH là nhiệm vụ quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên theo hướng tự học. Nhà trường đã khuyến khích, hỗ trợ nhiều sinh viên tham gia NCKH. Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động, Trường đã triển khai được 20 đề tài NCKH, 4 dự án khoa học công nghệ. Trong đó, sinh viên đã tham gia thực hiện vào 70% số đề tài NCKH. Nhà trường cũng đã công bố được 45 kết quả NCKH trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế (trong đó có 11 công trình công bố trên các tập san, kỷ yếu khoa học quốc tế). Số lượng đề tài được tăng lên từng năm. Nhiều đề tài, dự án được đánh giá cao và chuyển giao công nghệ mới cho nhiều công ty trong các lĩnh vực sản xuất. Hoạt động NCKH đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, 90% sinh viên của Trường sau tốt nghiệp đã có việc làm (theo chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục đại học). Trong năm học 2018-2019, Nhà trường cam kết bố trí việc làm cho 100% sinh viên tốt nghiệp.

Theo PGS-TS Tô Văn Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Bắc: Trong quá trình hội nhập kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày từng giờ, để phát triển, chúng ta phải tận dụng các lợi thế để tạo ra đội ngũ nhân lực tri thức phù hợp. Tại các trường đại học thực hành, phải từng bước điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng giảm bớt những môn học có tính hàn lâm nặng về lý thuyết, tăng cường thời gian thực hành cho sinh viên ở phòng thí nghiệm, xưởng và các nhà máy, xí nghiệp liên kết. Tiếp tục xây dựng các chương trình hợp tác KHCN với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước.