Những đổi mới mà trí tuệ nhân tạo mang đến cho ngành công nghiệp, doanh nghiệp, người tiêu dùng... là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chung quanh trí tuệ nhân tạo còn có không ít sự thổi phồng về tương lai của lĩnh vực khoa học máy tính này, cũng như cách con người sẽ thích nghi và dần quen với việc chung sống với nó.
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) là một trong những xu hướng công nghệ “hot” nhất năm 2019. Theo dự đoán của các nhà khoa học, trong thập kỷ sắp tới, các kỹ thuật tự động mới và người máy được trang bị AI sẽ xuất hiện nhiều hơn ở khắp mọi nơi. Theo Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), thị trường AI được dự báo sẽ đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.
Nỗi lo sợ về... điều chưa biết đến
Ra đời năm 2013 tại London, công ty công nghệ Sparrho đang sử dụng trí tuệ được tăng cường - sự kết hợp giữa trí tuệ con người và AI, để giúp tri thức khoa học trở nên dễ tiếp cận hơn, dễ tìm kiếm hơn và dễ chia sẻ hơn. Sparrho xây dựng cơ sở dữ liệu dựa trên hơn 60 triệu tài liệu khoa học và sáng chế “có 1-0-2” trong mọi lĩnh vực khoa học.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo quan trọng có chủ đề “Niềm tin số” trong khuôn khổ Triển lãm Di động toàn cầu diễn ra tại Tây Ban Nha, cuối tháng 2 vừa qua, Tiến sĩ Vivian Chan, nhà sáng lập và CEO của Sparrho, đã lý giải về việc thế giới siêu kết nối đang ngày càng tạo ra sự hoài nghi và lo sợ về các công nghệ và chính sách mới như thế nào.
Tiến sĩ Vivian chia sẻ, thế giới đang đối mặt với sự phân loại rất lớn liên quan đến chênh lệch niềm tin. Theo đó, nữ CEO trẻ tuổi đã nêu ra hai nhóm đang nổi lên: thứ nhất là nhóm người có nhiều tin tức, trong nhóm này, niềm tin vào công nghệ mới và mới nổi tăng lên theo thời gian; thứ hai là nhóm của những người mà niềm tin này tiếp tục trì trệ. Nếu nhóm thứ hai ngày càng trở nên lo lắng về AI thì đây là kết quả của nỗi sợ về những điều chưa biết đến. Tâm lý này cũng có thể là do có quá ít thông tin về những lợi ích mà AI mang lại nhằm tạo sự cân bằng với những người tin rằng AI sẽ hủy hoại xã hội.
Bà Vivian cho rằng, chủ đề như AI và tự động hóa ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các bản tin và trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, dường như những thông tin này đang thổi phồng về AI hơn là cung cấp tin tức và định hướng bạn đọc.
“Chúng ta nhận thấy mình đang có mặt tại một thời điểm quan trọng trong lịch sử loài người. Hơn một nửa thế giới đang truy cập Internet, và trên lý thuyết, chúng ta đang tiếp cận khối lượng kiến thức rất lớn và không ngừng mở rộng. Nhưng trên thực tế, chúng ta mới chỉ ở trên phần nổi của tảng băng. Công nghệ đã cải thiện đáng kể cách chúng ta giao tiếp với nhau và cách chúng ta tiếp cận thông tin. Nhưng với giá nào? Chúng ta có đánh mất tránh nhiệm và khả năng kiểm soát của mình?”, Tiến sĩ Vivian đặt vấn đề.
AI bổ sung chứ không thay thế trí tuệ con người
Trên thực tế, có nhiều quan điểm khác biệt khi con người thảo luận về chủ đề AI. Song, để dễ nhận biết, có thể chia AI thành ba loại: Artificial General Intelligence (AI tổng hợp hay còn gọi là AI mạnh), Narrow AI (AI yếu) và Artificial Super Intelligence (siêu AI).
Dù chưa tồn tại nhưng AI mạnh được định nghĩa là loại trí tuệ nhân tạo có khả năng thực hiện bất cứ chức năng nhận thức nào giống như con người. Ngược lại, AI yếu thì ngày càng trở nên phổ biến hơn, đó là phần mềm Watson của IBM, là các “trợ lý ảo”: Siri của Apple, Alexa của Amazon, Bixby của Samsung... Điểm khác biệt chính giữa AI mạnh và AI yếu nằm ở mục tiêu thiết lập và ý muốn. Trong tương lai, AI mạnh sẽ có khả năng tư duy về mục tiêu của mình, và tự quyết định việc có điều chỉnh mục tiêu hay không và nếu có thì ở chừng mực nào. Cần thừa nhận rằng, một khi AI mạnh có thể làm được như vậy thì thành tựu công nghệ to lớn này sẽ thay đổi loài người vĩnh viễn. Đến nay, AI mạnh chưa có mặt trong đời sống và vẫn còn một chặng đường dài phía trước để các nhà khoa học nghiên cứu về nó. Trong khi đó, khi nói đến siêu AI, nhiều người lo sợ rằng, một ngày nào đó loại AI “khủng” này sẽ vượt khỏi tầm nhận thức và hiểu biết của con người. Siêu AI rất có thể xuất hiện trong tương lai nhưng chắc chắn nó sẽ không sớm lộ diện.
Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ IBM gần đây đã trình bày cách AI có thể tác động tích cực đến các quyết định của con người. Bằng các dễ dàng sở hữu khối lượng lớn thông tin và tri thức, con người có thể đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, từ đó mỗi cá nhân sẽ tác động tích cực đến xã hội.
Những điều không tưởng do AI tạo ra đang kéo theo không ít sự thổi phồng về tương lai của lĩnh vực khoa học máy tính này cũng như cách con người sẽ phải thích nghi và dần quen với việc chung sống với nó. Thực tế đó đã thôi thúc một số nhà khoa học xem xét lại khái niệm Artificial Intelligence và đưa ra một khái niệm thay thế là Augmented Intelligence (cũng viết tắt là AI). Augmented Intelligence (trí tuệ được tăng cường) tập trung vào vai trò hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo trong việc thúc đẩy những năng lực tiềm tàng của mỗi người. Nó giúp con người trở nên nhanh nhẹn, thông minh hơn và là sự bổ sung chứ không phải thay thế trí tuệ con người.