San phẳng ruộng bằng tia laser

14:46, 27/06/2019

Ứng dụng cơ giới hóa san phẳng mặt ruộng bằng tia laser trong sản xuất lúa, thuộc chương trình “Cánh đồng lớn” là cách làm mới được tỉnh Ninh Thuận thực hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.Đây là giải pháp mang tính đột phá quan trọng của tỉnh Ninh Thuận trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

San phang ruong bang tia laser de san xuat 'canh dong lon' hinh anh 1
Thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng thiết bị tia laser ở huyện Ninh Phước. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để thực hiện chương trình này, Trung tâm Khuyến nông-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã phối hơp với các hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp ở huyện Ninh Phước tiến hành khảo sát đồng ruộng để thuận tiện cho việc san phẳng; đồng thời chọn hộ dân có điều kiện đối ứng để tham gia triển khai thực hiện mô hình.

Ông Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận cho biết để mô hình được triển khai thuận lợi và đi đến thành công, Trung tâm Khuyến nông luôn tổ chức tập huấn đồng thời thường xuyên trao đổi với các hộ dân tham gia làm mô hình về lợi ích của việc san phẳng mặt ruộng bằng thiết bị tia laser để sản xuất lúa.

Cụ thể như giảm lượng giống gieo sạ, tránh ngập úng; giảm phân bón, thuốc trừ sâu; giảm đáng kể lượng nước tưới. Hiệu quả của cách làm này sau thu hoạch so với canh tác truyền thống là khá cao. Nhờ đó, đã có 30 hộ dân tham gia dồn nhiều thửa ruộng liền kề thành một, hai hoặc ba thửa lớn để làm mô hình này.

Ngay vụ Đông Xuân 2018-2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ 100% chi phí làm đất, san phẳng ruộng; đồng thời hỗ trợ 70% về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân tham gia thực hiện mô hình kết hợp sử dụng giống lúa chất lượng Đài Thơm 8 và máy sạ lúa phun đa năng để gieo sạ.

Ông Mai Phong Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ninh Quý (xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước) cho biết mô hình sử dụng thiết bị san phẳng mặt ruộng bằng tia laser đã tạo được sự đồng đều bề mặt ruộng; giúp giảm lượng giống gieo sạ từ 200-250 kg/ha xuống còn 170kg/ha (giảm 15-32% lượng giống gieo).

Ngoài việc giảm chi phí sản xuất như chi phí làm đất một lần trước gieo sạ so với mô hình truyền thống; giảm số lần đưa nước vào ruộng trong một vụ lúa; giảm từ một đến hai lần phun thuốc trừ cỏ dại và trừ ốc bươu phá hoại ở đầu vụ; giảm công dặm lúa; giảm phân bón; tăng hiệu quả sử dụng thuốc trừ sâu bệnh..., mô hình này còn giúp ruộng lúa thông thoáng, thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển tối ưu cho cây lúa, dễ kiểm soát sâu bệnh hại, hạn chế đổ ngã, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Theo tính toán của Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ninh Quý Mai Phong Tuấn, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân từ mô hình này thu được 14,3 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 7,5 triệu đồng/ha. Do đó, nhiều thành viên của hợp tác xã cảm thấy rất vui, sẵn sàng cùng liên kết, phá bờ dồn nhiều thửa ruộng nhỏ để san phẳng, làm mô hình cánh đồng lớn.

Ngay vụ Hè Thu 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các hợp tác xã tiến hành san phẳng mặt ruộng bằng thiết bị laser với diện tích 25,4/28,5 ha tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Ninh Sơn, đạt 89,1% so với kế hoạch mà Ủy ban Nhân dân tỉnh giao. Diện tích còn lại sẽ tiếp tục thực hiện tại huyện Thuận Nam trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết so với các tỉnh/thành khu vực Nam Trung Bộ, mô hình ứng dụng kỹ thuật san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser là mô hình đầu tiên được tỉnh Ninh Thuận thực hiện.

Thấy được hiệu quả về kinh tế, về môi trường và xã hội mang lại từ thực hiện mô hình, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình này ở một số địa phương có nhu cầu thực hiện.