Đại diện các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước cho biết, từ 13h ngày 27-11, sự cố lỗi cáp trên phân đoạn S3 của tuyến cáp quang biển quốc tế APG (Asia Pacific Gateway) đã được khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn kênh truyền trên tuyến.
Việc hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển APG giúp toàn bộ lưu lượng kết nối internet đi quốc tế hướng Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản đã trở lại bình thường, sau gần 1 tháng bị gián đoạn.
Như vậy, quá trình sửa chữa trên tuyến APG đã hoàn thành sớm hơn so với thời gian dự kiến 2 ngày (dự kiến ngày 29-11 mới sửa xong) và cùng với tuyến cáp biển khác là AAE-1 (Asia Africa Europe 1) cũng đã được khôi phục dung lượng hoàn toàn là tin vui với các nhà cung cấp dịch vụ và người dùng internet Việt Nam.
Hiện chỉ còn tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) đang được đơn vị quản lý sửa chữa, dự kiến hoàn tất vào ngày 15-12-2021.
APG được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, kết nối 9 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. APG có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp viễn thông lớn. Được biết, các nhà cung cấp dịch vụ trong nước đã đầu tư, khai thác 6 tuyến cáp quang biển quốc tế (AAG, SW3, IA, APG, AAE-1, Faster). Ngoài ra, VNPT đang đầu tư xây dựng tuyến SJC2 (South East Asia - Japan 2 Cable System) kết nối 6 nước: Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng là tuyến cáp quang biển quốc tế thứ 6 do VNPT tham gia.
Kết nối internet từ Việt Nam đi các nước phụ thuộc chủ yếu vào các tuyến cáp quang biển, do vậy, khi xảy ra các sự cố đứt cáp bất khả kháng thì các tuyến cáp biển có vai trò bổ sung, hỗ trợ, cân bằng lưu lượng giúp nhà mạng bảo đảm chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, khiến nhu cầu làm việc trên mạng ngày càng tăng.