Thực hiện Chương trình Quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tờ trình quy định về nội dung và mức chi thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, tờ trình, dự thảo nghị quyết về vấn đề này sẽ được xem xét và biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIV sắp được tổ chức.
Những ngày này, các thành viên và người lao động của Hợp tác xã (HTX) Chè Thủy Thuật, ở xóm Phúc Thành, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) đang tập trung cao độ cho việc sản xuất, đóng gói sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Ngô Viết Thuật, Giám đốc HTX thông tin: HTX có 9 thành viên chính thức và gần 60 thành viên liên kết, canh tác trên diện tích 21ha chè. Bình quân mỗi tháng, chúng tôi sản xuất trên 1 tấn chè khô. Qua nhiều nỗ lực, hiện nay, sản phẩm của HTX đã từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, gây dựng được thương hiệu (với 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP).
Tuy nhiên, tâm sự về nghề làm chè, ông Thuật vẫn còn nhiều trăn trở: Tôi và các thành viên trong HTX đều là những nông dân, thành lập HTX là cả một quá trình dài và gian nan, làm việc gì cũng phải mày mò, thiếu thốn đủ bề, nhất là kiến thức kinh doanh, quản trị HTX, thiếu vốn đầu tư công cụ, thiết bị hiện đại… Bởi vậy, chúng tôi rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để HTX phát triển.
Còn tại Công ty TNHH NatSteelVina (nằm trên địa bàn phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên) chuyên sản xuất thép xây dựng, thời điểm này, đơn vị cũng đang gấp rút thực hiện những đơn hàng dịp cuối năm. Anh Lê Khắc Giang, Phó phòng Sản xuất của Công ty chia sẻ: Chúng tôi là một trong những đơn vị cán thép lâu năm, cũng là đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thời gian gần đây, đơn vị có 3 cải tiến kỹ thuật nổi bật, đó là: Công nghệ Quenching trong sản xuất thép xây dựng; cân cắt chọn phôi để đưa vào sản xuất nhằm giảm thiểu đuôi thép; thay thế trục Cacbits cho trục gang.
Theo anh Giang, muốn có sản phẩm tốt, chiếm lĩnh thị trường thì yếu tố quản trị trong kinh doanh, đổi mới về công nghệ luôn phải được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, đầu tư cho công nghệ thì vô hạn trong khi tiềm lực của DN lại có hạn, bởi thế Công ty mong muốn được Nhà nước hỗ trợ thêm để phát triển mạnh hơn trong tương lai.
Không chỉ riêng 2 đơn vị trên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài năng lực tự thân của các đon vị đầu tư cho lĩnh vực khoa học - công nghệ để làm ra những sản phẩm ngày càng hoàn thiện, đáp ứng thị trường thì nhiều HTX, DN mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, đặc biệt đối với những DN vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thị trường còn yếu.
Ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh đánh giá: Hiện nay, các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn thiếu khả năng cạnh tranh về tài chính nên việc đầu tư có hạn. Hơn nữa, bộ phận cán bộ quản lý ở một số HTX, DN còn thiếu kiến thức và kỹ năng quản lý nên năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao.
Nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng…, ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định thực hiện Chương trình Quốc gia Hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên mới đây cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, tờ trình về quy định nội dung và mức chi thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh để thông qua tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh, sắp diễn ra trong thời gian tới.
Cũng theo khảo sát, đại diện nhiều DN đều có nguyện vọng được tiếp cận Chương trình và cho rằng: Nếu dự thảo nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp HĐND tỉnh sẽ là “bệ đỡ” giúp cho các DN phát triển. Đặc biệt, giúp các DN có cơ hội tiếp cận trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận thị trường… để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời gian tới.