“Ứng dụng hiệu quả khoa học, khai thác các tiện ích công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã giúp tiềm năng đất đai được khai thác hiệu quả, môi trường sản xuất an toàn, chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng cao. Thu nhập của gia đình hội viên (HV) nhờ vậy cũng được cải thiện theo chiều hướng tích cực.” - Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh tâm đắc chia sẻ với chúng tôi.
Hội Làm vườn tỉnh hiện có gần 35.000 HV, trong đó có 89 HV mới kết nạp năm 2021. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động HV đoàn kết, khắc phục khó khăn, hỗ trợ nhau về vốn, giống cây trồng, kinh nghiệm sản xuất; tích cực tham gia các hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm vườn – ao - chuồng của gia đình.
Đến thăm mô hình tưới theo công nghệ Israel của gia đình bà Lục Thị Cửu, xóm Trung Thành, xã Vô Tranh (Phú Lương), chúng tôi nhanh chóng hiểu thêm về những nỗ lực của Hội Làm vườn trong việc hỗ trợ HV. Đang tiết trời Đông hanh khô, nhưng cả vườn chè của bà Cửu vẫn mơn mởn búp tươi non nhờ có đủ nước tưới. Bà Cửu mau mắn: Nhờ công nghệ tưới của Israel do Hội Làm vườn tỉnh hỗ trợ từ 3 năm nay đấy, chỉ cần bật công tắc là vườn chè không bị “khát nước”.
Cũng sử dụng công nghệ tưới của Israel do Hội Làm vườn tỉnh hỗ trợ, bà Nguyễn Thị Tươi, xóm Ngoài, xã Tức Tranh (Phú Lương) phấn chấn: Nhờ có công nghệ tưới do Hội hỗ trợ, vụ chè Đông của gia đình tôi không chỉ tăng năng suất, chất lượng, mà giá bán sản phẩm chè cũng cao hơn 20.000 đồng/kg so với trước đây.
Còn ông Đặng Văn Tâm, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) vui vẻ: Nhờ ứng dụng công nghệ tưới này mà mấy trăm trụ thanh long của gia đình tôi cho năng suất, chất lượng ổn định.
Theo đánh giá, đến nay, hầu hết các mô hình ứng dụng công nghệ tưới của Israel được Hội Làm vườn tỉnh triển khai thực hiện, bàn giao cho gia đình HV sử dụng đều mang lại hiệu quả tích cực. Mới đây, Hội tiếp tục thực hiện 2 mô hình tưới cây ăn quả ở xã Minh Lập và xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ).
Bà Dung cho biết thêm: Mô hình này giúp gia đình HV tăng năng suất cây trồng thông qua việc chủ động tưới dưỡng, bón phân tiết kiệm và giảm chi phí nhân công. Hiện nhiều gia đình HV có nhu cầu được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới công nghệ này cho vườn chè, vườn cây ăn quả và các vườn trồng rau an toàn.
Ngoài việc chuyển giao công nghệ tưới của Israel, trong 5 năm gần đây, Hội Làm vườn tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức hơn 100 lớp dạy nghề, với gần 5.000 HV tham gia. Cùng với đó là các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho HV, chủ yếu về kỹ thuật trồng cây ăn quả, chăn nuôi gà thả vườn, nuôi ong và sản xuất chè an toàn.
Ông Phan Văn Lực, xã An Khánh (Đại Từ) cho biết: Tham gia lớp đào tạo nghề nuôi ong lấy mật, tôi được trang bị các kiến thức cơ bản về nuôi ong, như lựa chọn đàn ong giống, vị trí đặt tổ, tạo chúa, chia đàn, thu hoạch mật. Nhờ có thêm nghề nuôi ong, kinh tế của gia đình tôi từng bước ổn định.
Nhờ được trang bị, bổ sung kiến thức khoa học kỹ thuật, các gia đình HV đã mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng sản xuất, như việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất sang trồng các loại cây ăn quả giống mới như: Hồng xiêm xoài, bưởi đỏ Tân Lạc, mít Thái Lan... Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho HV. Điển hình như mô hình trồng na ở huyện Võ Nhai. Với quy mô hơn 400ha, năng suất đạt hơn 10 tấn quả/ha, tổng sản lượng đạt hơn 4.000 tấn/năm. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, cây na mang lại cho người làm vườn Võ Nhai số tiền hơn 80 tỷ đồng mỗi năm.
Bà Đào Thị Dung đánh giá: Mô hình khoa học công nghệ do Hội hỗ trợ chưa nhiều, nhưng đủ mạnh để giúp HV thay đổi tư duy, có ý thức tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất, ứng dụng tốt hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, đời sống của HV được cải thiện, nâng cao.