Kỳ vọng về một “Thung lũng Silicon” tại Thái Nguyên

11:07, 02/02/2022

Với diện tích quy hoạch lên tới 200ha và tổng mức đầu tư hạ tầng gần 3 nghìn tỷ đồng, Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Yên Bình được kỳ vọng trở thành một “Thung lũng Silicon” với định hướng là khu công nghệ đáp ứng các nhu cầu sinh sống, làm việc và giải trí cho người lao động bao gồm đầy đủ dịch vụ và tiện ích đi kèm.

Khu công nghệ đồng bộ, hiện đại

Tháng 8-2021, UBND tỉnh đã chấp thuận cho liên danh Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt và Công ty CP Cung Điện Mùa Đông thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu CNTT tập trung Yên Bình. Với Quyết định này, Thái Nguyên trở thành địa phương thứ 4 có khu CNTT tập trung sau: Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Theo đó, Dự án Khu CNTT tập trung Yên Bình được thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng nên một khu CNTT 5 trong 1 bao gồm: Sản xuất; nghiên cứu phát triển và đào tạo; đô thị sinh thái; thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí; trung tâm logistic tạo nên một quần thể khu công nghiệp sinh thái, xanh, sạch, đẹp, đáp ứng các nhu cầu sinh sống, làm việc và vui chơi giải trí cho người dân lao động với đầy đủ các dịch vụ và tiện ích đi kèm. Khu CNTT tập trung này sẽ được xây dựng các cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng kỹ thuật cao về CNTT nhằm tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và châu Âu...

Khu vực này đang hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, thuận lợi, bao gồm đường bộ, đường hàng không, đường sắt, và đường thuỷ; có tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường vành đai 5 Hà Nội đang được hình thành chạy qua, giao nhau tại nút giao Yên Bình; có ga đường sắt Phổ Yên và cảng sông cấp vùng nằm trong khu vực Dự án.

Thận trọng lựa chọn nhà đầu tư

Trên thực tế, chủ trương thành lập Khu CNTT tập trung Yên Bình đã được tỉnh triển khai từ lâu. Sở Thông tin và Truyền thông được UBND tỉnh giao phối hợp với các cơ quan liên quan lập danh mục dự án thu hút đầu tư; hoàn thiện hồ sơ mời thầu, sau đó hoàn thiện Đề án thành lập, trình các bộ, ngành thẩm định và báo cáo Thủ tướng quyết định.

Khi công bố danh mục để mời nhà đầu tư đăng ký thực hiện, tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư ngoài năng lực, kinh nghiệm sẽ phải cạnh tranh về việc có cam kết đầu tư của đối tác là tập đoàn lớn vào khu CNTT này. Theo yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, nhà đầu tư phải có 1 dự án tương tự đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật; công trình giao thông; công trình có công năng phục vụ hỗn hợp đã tham gia với vai trò góp vốn chủ sở hữu.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Căn cứ vào quy mô, tính chất, lĩnh vực và điều kiện đặc thù của Dự án, tỉnh đã đưa ra các tiêu chí mà nhà đầu tư phải đáp ứng. Cụ thể, nhà đầu tư phải có văn bản thỏa thuận hợp tác hay biên bản ghi nhớ hợp tác với tối thiểu 1 đối tác là tập đoàn lớn đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam về việc sẽ đầu tư tại Khu CNTT tập trung. Đây là cam kết cho việc đầu tư vào Khu CNTT tập trung Yên Bình sau khi được thành lập và đi vào hoạt động...

Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trong tương lai, Khu CNTT tập trung Yên Bình sẽ là hạt nhân trong việc kết nối và hỗ trợ các dự án công nghệ kỹ thuật cao của tổ hợp Yên Bình mà trước mắt là Dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung.

Dự án Khu CNTT tập trung Yên Bình có chi phí thực hiện gần 2.957,6 tỷ đồng, trong đó vốn góp của liên danh nhà đầu tư là gần 592 tỷ đồng, vốn huy động 2.365,6 tỷ đồng. Dự kiến, quý I-2025, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động với thời hạn 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được chấp thuận.