Trước đây, việc dùng điện thoại quét tem có mã QR dán trên sản phẩm để truy xuất nguồn gốc thường được người tiêu dùng sử dụng. Nhưng hiện nay, những chiếc tem truy xuất nguồn gốc không còn được nhiều người quan tâm nữa, vì khi quét mã QR chỉ nhận được những thông tin đơn giản, sơ sài về đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm, không có thông tin chi tiết về sản phẩm qua từng công đoạn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, các tem truy xuất nguồn gốc có nội dung và hình thức khác nhau, không được chuẩn hóa nên dẫn đến tình trạng “loạn tem”...
Khắc phục tình trạng trên và nhằm bảo đảm tính thống nhất, chuẩn hóa trong việc quản lý và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia nghiên cứu, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, đó là các sản phẩm: chè, quả (na, nhãn, bưởi), thịt lợn, thịt gà và trứng gà, gỗ, quế. Đây cũng là nhiệm vụ thuộc Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (Sở KH&CN) cho biết: Bộ tài liệu này được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, các quy định và hướng dẫn của Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá, nhằm chuẩn hoá về: Hình thức, nội dung thẻ, tem, nhãn để truy xuất nguồn gốc; cách thức quản lý việc áp dụng truy xuất nguồn gốc; mã truy vết; thông tin truy xuất nguồn gốc...
TS. Bùi Bá Chính, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia cho biết: Các thông tin truy xuất nguồn gốc được xây dựng nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả năng định danh đơn nhất cho từng đối tượng truy xuất. Các thông tin truy xuất nguồn gốc này sẽ được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia như một bên thứ ba thực hiện việc giám sát, chứng thực các thông tin truy xuất trong toàn bộ chuỗi quá trình tạo ra sản phẩm. Đây cũng là bộ tài liệu hướng dẫn cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước về lĩnh vực truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp khách hàng thuận lợi tìm hiểu thông tin về sản phẩm của HTX chè Hảo Đạt.
Bộ tài liệu này đã được Sở KH&CN triển khai áp dụng thí điểm cho các sản phẩm OCOP của 3 đơn vị: Hợp tác xã (HTX) Chè Hảo Đạt, HTX Trà Sơn Dung, HTX Tâm Trà Thái. Sau khi áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của bộ tài liệu này, các đơn vị đều đánh giá cao hiệu quả mang lại. Bà Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung chia sẻ: Hệ thống truy xuất nguồn gốc đã giúp chúng tôi minh bạch hoá thông tin của từng công đoạn tạo ra sản phẩm, chống các hành vi gian lận thương mại, giúp truy cập thông tin về sản phẩm một cách nhanh chóng và chính xác, kịp thời phát hiện những điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, góp phần thâm nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Bộ tài liệu sau khi được ban hành và áp dụng sẽ thống nhất và chuẩn hoá việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hoá trong phạm vi toàn tỉnh; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hoá trên thị trường; tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, hàng hoá; nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đây là cơ sở để tổ chức triển khai toàn diện việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hoá của tỉnh Thái Nguyên thời gian tới.