Hãng bán dẫn Mỹ cho biết đang tìm cách khắc phục hiện tượng máy tính Windows với bộ xử lý Ryzen bị suy giảm trầm trọng hiệu năng trong một số trường hợp xử lý tác vụ.
Trong lần này, lỗi nằm ở TPM (Trusted Platform Module) - phần cứng mã hóa cho phép Windows xác thực các tác vụ truy xuất dữ liệu, qua đó sẽ cải thiện khả năng bảo mật của máy tính. Trước đây, khóa này tồn tại dưới dạng mô đun phần cứng độc lập (dTPM), cắm vào vào các bo mạch chủ của máy tính để bàn, hoặc được lắp đặt sẵn trên các máy tính xách tay.
Tuy nhiên, cùng với việc phát hành Windows 11 vào năm ngoái, Microsoft yêu cầu toàn bộ máy tính sử dụng hệ điều hành mới phải có TPM. Để “ứng phó”, hai nhà sản xuất vi xử lý hàng đầu thế giới là AMD và Intel đã đưa ra những phương án tích hợp sẵn TPM vào nền tảng phần cứng của mình. Trong đó, giải pháp của AMD có tên là fTPM (firmware TPM).
Theo thông tin từ AMD, các máy tính chạy hệ điều hành Windows 10 hoặc Windows 11 với fTPM sẽ khiến người dùng gặp hiện tượng xử lý tác vụ chậm, thậm chí giật cục, treo cứng trong thời gian ngắn.
Để khắc phục, máy tính xách tay hoặc bo mạch chủ của máy tính để bàn sẽ phải cập nhật phần mềm hệ thống (firmware/BIOS) do nhà sản xuất tương ứng cung cấp. Tuy nhiên, AMD cho biết, người dùng phải chờ đợi ít nhất là tới đầu tháng 5-2022 mới có được “liều thuốc” này. Giải pháp duy nhất trước mắt là sử dụng module TPM “cứng” (dTPM), nhưng phụ kiện này có giá không rẻ và tương đối khó tìm mua.
Trục trặc với fTPM không phải lần đầu tiên các bộ xử lý Ryzen của AMD gặp rắc rối về hiệu năng. Hồi năm ngoái, AMD đã phải xử lý hai lỗi lớn trên phương diện này, trong đó một lỗi khiến hàng loạt trò chơi điện tử suy giảm tới 15% hiệu năng trên các máy tính sử dụng Ryzen.