Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm chè, đáp ứng các tiêu chí phục vụ xuất khẩu… đó là mục tiêu mà nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh hướng tới khi tham gia xây dựng mã số vùng trồng chè.
Năm 2020, HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Saemaul ở xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương), có 1 đơn hàng bên Trung Quốc đặt 10 tấn chè búp khô. Với sản lượng trung bình 42 tấn/năm, HTX có đủ khả năng cung ứng nhưng vấn đề đặt ra là sản phẩm của đơn vị không đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, HTX đành “ngậm ngùi” để mất đơn hàng lớn.
Năm 2021, nhận thấy việc xây dựng mã số vùng trồng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường sinh thái cũng như các điều kiện phục vụ xuất khẩu, HTX đã áp dụng trên diện tích 12ha.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc HTX chia sẻ: Tham gia mô hình xây dựng mã số vùng trồng, nương chè của chúng tôi sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học nên không còn độc hại và không có mùi khó chịu như dùng thuốc hóa học. Ban đầu, bà con còn bỡ ngỡ khi hằng ngày phải ghi chép vào sổ các công việc như: Bón phân, phun thuốc, thu hái… Để đôn đốc bà con, ngày nào tôi cũng gọi điện nhắc nhở, đồng thời kiểm tra, giám sát việc sử dụng vật tư đảm bảo đúng quy định. Hiện nay, bà con cơ bản áp dụng tốt theo đúng quy trình sản xuất an toàn.
Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng tích cực vào cuộc hỗ trợ người dân xây dựng vùng sản xuất an toàn, phát triển thương hiệu sản phẩm. Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô cho biết: Xã luôn tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp tập huấn về sản xuất, chế biến chè an toàn; khuyến khích bà con đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập.
Tương tự, từ khi tham gia xây dựng mã số vùng trồng với diện tích 5ha, thành viên Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ Chính Phú, xã Phú Xuyên (Đại Từ), cũng đã thay đổi tập quán canh tác.
Trước đây, khi trời mưa là bà con lại mang phân đạm, lân bón cho cây chè, khiến phân bị rửa trôi, gây lãng phí. Hiện, bà con đã cuốc hố bón phân hữu cơ quanh gốc để góp phần cải tạo đất, giúp cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và phun phân bón lá sinh học theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cùng người dân xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương), kiểm tra sâu bệnh trên cây chè.
Bà Đào Thị Thoi, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: Được tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi tuân thủ theo đúng quy trình chứ không làm theo cảm tính như trước kia, vì thế mà năng suất, chất lượng sản phẩm chè cũng được cải thiện rõ rệt. Hiện, HTX tiêu thụ từ 4 đến 5 tấn chè búp khô/tháng với giá bán từ 250 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg tùy loại.
Nhằm giúp bà con nắm rõ quy trình sử dụng các loại thuốc, phân bón hữu cơ đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất, các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp cũng đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Ông Trịnh Xuân Lưu, Giám đốc Công ty CP Vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Khác với các cơ sở sản xuất phân hữu cơ từ nguyên liệu than mùn, chúng tôi chuyên sản xuất các loại phân bón hữu cơ, vi sinh làm từ men bia, mùn cây thanh hao hoa vàng… Ưu điểm của các loại phân bón này là hàm lượng dinh dưỡng cao, phân dễ tan trong nước nên giúp cây hấp thụ được ngay chất dinh dưỡng và hạn chế sâu bệnh gây hại…
Còn ông Nguyễn Ngọc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Thái Nguyên thông tin: Các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón do Công ty cung ứng đều được nhập từ các cơ sở sản xuất uy tín trong và ngoài nước, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, bà con cần sử dụng theo đúng hướng dẫn, khuyến cáo được in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm. Đặc biệt, bà con không được pha trộn các loại thuốc trừ sâu để phun phòng trừ dịch hại, bởi khi pha lẫn sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
Chúng tôi được biết, từ năm 2021 đến nay, hoạt động hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng đã được Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật chú trọng triển khai. Theo đó, dự kiến đến giữa năm 2022, toàn tỉnh sẽ có 17 vùng sản xuất với sự tham gia của 238 hộ, ở 16 HTX và 1 công ty được cấp mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 108ha.
Bà Ma Thị Thúy Phương, cán bộ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật chia sẻ: Trong quá trình triển khai mô hình xây dựng mã số vùng trồng, chúng tôi thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn hộ sản xuất, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giám sát việc cung ứng vật tư. Đồng thời cập nhật hệ thống dữ liệu lên phần mềm và tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước để kiểm nghiệm theo quy định. Đến nay, đa phần bà con đều sản xuất theo đúng quy trình, có sổ ghi chép cẩn thận, đảm bảo phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Xây dựng mã số vùng trồng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân khi có các đơn hàng xuất khẩu…