Khoa học công nghệ: Động lực phát triển kinh tế - xã hội

17:20, 18/05/2022

Khoa học và công nghệ (KH&CN) cùng với đổi mới sáng tạo (ĐMST) được xem là "chìa khóa" của tăng trưởng bền vững. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, KH&CN nói chung, ĐMST nói riêng phải trở thành động lực quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới.

Trong những năm gần đây, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tác động xấu đến nền kinh kế của cả nước, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn có những bước tăng trưởng khá. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng đang giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2018 tăng lên 5,8% và đến nay dự ước tăng 6%. Trong chuỗi giá trị tổng hợp của sản phẩm nông nghiệp đến thời điểm tháng 9-2021, KH&CN đã đóng góp trên 30% tổng giá trị gia tăng. Với lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng trên 40% năm 2021.

Thực tế cũng chứng minh, KH&CN là động lực, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh giai đoạn 2011-2019 đạt 36,94%, giai đoạn 2016-2019 đạt 53,24% và giai đoạn 2020-2021 đạt gần 55%.

Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới: Các nhiệm vụ KH&CN bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, nội dung nghiên cứu tập trung vào các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao; mô hình sản xuất an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm như: Mô hình trồng cây dược liệu; mô hình sản xuất thử nghiệm giống khoai tây Actrice của Hà Lan; mô hình vỗ béo thâm canh bò thịt; nuôi trai nước ngọt lấy ngọc... Qua đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Các nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình Nông thôn miền núi được Bộ KH&CN hỗ trợ đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới đến với nông dân, đặc biệt là đồng bào vùng núi, vùng sâu, vùng khó khăn, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ áp dụng tiến bộ kỹ thuật như: Xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ cây măng tây; ứng dụng công nghệ của Israel trong nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng…

Lĩnh vực Y tế đã ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại địa phương như: Ứng dụng phẫu thuật tim hở; nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm… đã giúp người dân, nhất là người nghèo có cơ hội tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến trong khám, chữa những căn bệnh hiểm nghèo và góp phần giảm tải cho y tế tuyến Trung ương.

Các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ, các nhiệm vụ KH&CN đã hỗ trợ nâng cao năng lực làm chủ CN, ứng dụng các CN mới.

Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, các nhiệm vụ KH&CN triển khai tích cực Đề án chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01 của Đảng bộ tỉnh, bước đầu ứng dụng CNTT giúp người dân, doanh nghiệp được tiếp cận với CN thông minh, tiên tiến. Đồng thời phục vụ đắc lực công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước. Lĩnh vực bảo về tài nguyên và môi trường nghiên cứu ứng dụng CN sạch, CN sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nhiên nhiên, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững…

Có thể khẳng định, KHCN luôn hiện diện ở mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội và đóng vai trò quan trọng, một trong những động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, chủ trương của Chính phủ là phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, càng khiến ngành KH&CN phải cố gắng, nỗ lực hơn để thúc đẩy nhanh, mạnh mẽ, đổi mới các mô hình tăng trưởng.

Để thực hiện mục tiêu này, Sở KH&CN thời gian tới tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất và đời sống; thúc đẩy hoạt động ĐMST, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp KH&CN, từng bước hình thành các khu công nghệ cao, trung tâm ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, dịch vụ chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KHCN, tăng tỷ lệ thương mại hóa các sản phẩm KHCN; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN…đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững.