Đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội

10:29, 07/06/2022

Liên hiệp hội các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên (gọi tắt là Liên hiệp hội) thành lập ngày 10/6/2002. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp hội luôn thể hiện rõ là tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; đóng góp trí tuệ, sức sáng tạo vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với 27 hội thành viên, trên 51.000 hội viên (HV), nhằm giúp các HV tham gia vào các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, Liên hiệp hội thường xuyên có những chương trình hội thảo, tập huấn trong nhiều lĩnh vực như: Sở hữu trí tuệ; xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp; y tế, sức khỏe… cho các HV. Tiêu biểu phải kể đến như: Hội thảo tập huấn “Kỹ thuật, kỹ năng viết đề xuất và tổ chức thực hiện nhiệm vụ/đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ” (năm 2006); Hội thảo “Đóng góp ý kiến cho kết quả tư vấn, phản biện các chính sách về khoa học và công nghệ, về nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020” (năm 2016); tập huấn “ Nâng cao năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội cho các chuyên gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” (năm 2017); Hội thảo "Tác động của các Đề án phát triển chè đến hiện trạng ngành chè Thái Nguyên và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chè giai đoạn 2021-2030”(năm 2021)...

Ngoài ra, các hội thành viên của Liên hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, tọa đàm chuyên đề về các nhiệm vụ chuyên môn của Hội; tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ. 20 năm qua, Liên hiệp hội đã thực hiện, hoàn thiện 5 dự án cấp Bộ và 11 đề tài cấp tỉnh. Các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học của Liên hiệp hội và các hội thành viên đã áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống thành công, được cơ quan chức năng, nhân dân đánh giá cao.

Hợp tác xã chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên) chú trọng áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất.

Các hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ cũng được các hội thành viên của Liên hiệp hội thực hiện đạt hiệu quả, như: Hội Làm vườn tỉnh triển khai hàng chục mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển cây ăn quả, cây cảnh; Hội Nước sạch và môi trường phối hợp chỉ đạo đánh giá về tình hình bảo vệ an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh và mô hình nhân rộng mô hình thu gom phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn bảo vệ môi trường; Hội Y học lao động góp phần giảm thiểu các bệnh liên quan đến nghề nghiệp của công nhân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em và thiếu máu ở phụ nữ…

Các HV liên kết sản xuất theo chuỗi đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, như: Công ty cổ phần NTEA sản xuất sản phẩm chè hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế IFOAM; Công ty cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình đầu tư công nghệ cao, tự động hóa và ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để có nhiều sản phẩm chè đạt chất lượng ....

Nhằm phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, dự án kinh tế - xã hội của tỉnh, từ năm 2017, UBND tỉnh giao Liên hiệp hội tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB & GĐXH). Liên hiệp hội hoàn thành một số nhiệm vụ TV, PB & GĐXH thuộc các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực thông qua 2 hình thức hội thảo và đề tài. Điển hình như: “Tư vấn, phản biện về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên” (2017); “Nhận diện và xác định các giải pháp cụ thể nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030” (2017-2019); “Gắn kết hoạt động của các tổ chức Hội với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” (2020); “Đánh giá Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020” (2021)….

Bên cạnh đó, theo đề nghị của các sở, ngành, Liên hiệp hội đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật như: Dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, tiền lương, cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; dự thảo dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi); dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; dự thảo “Đề án tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”…

Nhiều HV của Liên hiệp hội còn được mời vào Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh, cấp bộ, cấp Nhà nước, tham gia Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ của tỉnh cũng như các Hội đồng xét duyệt hoặc nghiệm thu, tư vấn, phản biện nhiều đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ…

Với những hoạt động thiết thực, Liên hiệp hội luôn làm tốt vai trò tập hợp tầng lớp trí thức, phát huy trí tuệ, sức sáng tạo đội ngũ trí thức đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.