Ngày 21/6, Hàn Quốc đã phóng tên lửa đẩy phát triển nội địa đầu tiên vào không gian, sau vụ thử thất bại hồi tháng 10/2021.
Theo Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc, tên lửa đẩy Nuri nặng 200 tấn, còn được gọi là KSLV-II, đã rời bệ phóng từ Trung tâm không gian Naro ở làng ven biển Goheung nằm ở phía Nam Hàn Quốc vào lúc 16h (giờ địa phương), tức 14h theo giờ Việt Nam. Bộ trên khẳng định tên lửa đã bay vào không gian theo đúng kế hoạch và hiện tại các kỹ sư đang tiến hành phân tích các dữ liệu để xác định liệu các vệ tinh do tên lửa đẩy mang theo có vào quỹ đạo thành công hay không. Kết quả dự kiến được công bố vào lúc 17h10 phút.
Trong lần phóng này, Nuri mang theo vệ tinh xác nhận hiệu suất nặng 162,5kg, cùng 4 vệ tinh hình khối và 1 vệ tinh giả nặng 1,3 tấn. Các vệ tinh hình khối do 4 trường đại học Hàn Quốc phát triển với mục đích nghiên cứu học thuật.
Nếu thành công, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phát triển thành công phương tiện phóng vào không gian có thể mang theo vệ tinh nặng hơn 1 tấn, sau Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Điều này cũng có nghĩa là Hàn Quốc giờ đây sẽ có được công nghệ độc lập quan trọng để phát triển và phóng tên lửa vũ trụ nội địa, mở ra một kỷ nguyên mới trong chương trình vũ trụ của nước này.
Theo thông tin mới nhất của Chính phủ Hàn Quốc, vệ tính mà tên lửa Nuri mang theo đã phát tín hiệu liên lạc với trạm King Sejong của Hàn Quốc tại Nam Cực.
Hàn Quốc đã đầu tư gần 2.000 tỷ won (1,8 tỷ USD) xây dựng Nuri từ năm 2010. Trong lần phóng vào tháng 10/2021, Nuri đã bay thành công đến độ cao mục tiêu là 700 km nhưng không đưa được vệ tinh giả vào quỹ đạo, do động cơ giai đoạn ba của tên lửa bị cháy sớm hơn dự kiến.