Xác định ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất là “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế, những năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã tích cực phối hợp, đẩy mạnh việc chuyển giao KHCN, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào thử nghiệm.
Cây Sacha inchi trồng trên đồng đất thị trấn Quân Chu (Đại Từ) được đánh giá sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại giá trị kinh tế cao. |
Mới đây, mô hình trồng cây Sacha inchi (đậu núi) tại thị trấn Quân Chu (Đại Từ) được cơ quan chuyên môn đánh giá là rất triển vọng để nhân rộng. Được triển khai từ tháng 6-2021, với quy mô 2ha, đến nay, cây cao khoảng 6m, đã cho thu hoạch quả, năng suất trong năm đầu tiên đạt khoảng 2 tấn hạt/ha. Lượng dầu ép được từ quả Sacha inchi nhiều hơn so với một số loại hạt lấy tinh dầu khác như lạc, vừng…
Anh Trương Văn Ánh, hộ dân tham gia mô hình, chia sẻ: Trước kia, tôi không hề biết đến cây Sacha inchi. Khi được cán bộ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu, tôi mới hiểu cây có xuất xứ từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Cả hoa, quả và ngọn đều sử dụng làm thực phẩm. Qua tham gia mô hình, tôi thấy loại cây trồng này sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, lại cho giá trị kinh tế cao nên tôi sẽ vận động bà con xung quanh cùng trồng để cải thiện thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.
Ngoài mô hình trồng cây Sacha inchi, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN vào trồng trọt, chăn nuôi. Cụ thể như: Dự án xây dựng mô hình Nông nghiệp công nghệ cao cho một số giống cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Dự án ứng dụng KHCN xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ cá Lóc đầu nhím (Channa sp.) tại Thái Nguyên; Dự án ứng dụng KHCN phát triển mô hình trồng cây dược liệu sâm Bố Chính trên đất vườn rừng tại TP. Thái Nguyên; Dự án ứng dụng tiến bộ KHCN xây dựng mô hình một số loại hoa hồng Bulgaria gắn với phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững tại huyện Đồng Hỷ; Dự án ứng dụng KHCN gây trồng một số loài lan rừng có giá trị kinh tế cao và lưu giữ, chăm sóc các loài lan rừng đã thu thập tại tỉnh Thái Nguyên; Dự án nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ của một số nông sản chủ lực (chè, rau, lúa, ...); Dự án ứng dụng công nghệ nuôi cá tầm Siberia khai thác trứng thương phẩm.
Thông qua đánh giá cho thấy, phần lớn các dự án đều đem lại kết quả tốt, cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao. Đơn cử như cây sâm Bố Chính đưa vào trồng thử nghiệm tại địa bàn xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên) cho thu hoạch trung bình đạt 0,3kg củ/gốc, năng suất đạt từ 6-8 tấn/ha, giá bán trên thị trường hiện nay từ 250-800 nghìn/kg tươi. Như vậy, sau khi trừ chi phí, bình quân người trồng sâm Bố Chính thu lãi 280-300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với loại cây trồng khác.
Ông Phạm Bách Thắng, hội viên Hội Đông y xã Sơn Cẩm, cho hay: Sâm Bố Chính là loại dược liệu quý, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y. Trước đây, tôi thường trồng tự phát, nhỏ lẻ nhưng khi tham gia mô hình rồng cây dược liệu sâm Bố Chính trên đất vườn rừng, tôi có điều kiện trồng một cách bài bản, đúng kỹ thuật nên giá trị đem lại cao hơn nhiều.
Ngoài giúp bà con nông dân ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất các loại cây trồng mới có giá trị, một số sản phẩm người dân làm ra còn được đơn vị hợp tác bao tiêu sản phẩm, giúp bà con yên tâm tham gia mô hình, mở rộng quy mô diện tích.
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Hoạt động chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất nông, lâm nghiệp nhằm xóa bỏ giống cây trồng cũ, năng suất thấp và thay thế bằng cây trồng mới, mang lại giá trị kinh tế cao luôn được Ngành chú trọng triển khai. Đây cũng là “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Thực tế hiện nay cũng cho thấy, hầu hết các mô hình trình diễn đều thành công do đã được nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu từ trước, nhưng việc nhân rộng còn gặp khó khăn do người dân chưa mạnh dạn đầu tư và ngại thay đổi loại cây trồng. Để khắc phục hạn chế này, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng, chăn nuôi những loại giống mới đã thử nghiệm thành công. Cùng với đó, tham mưu với UBND tỉnh có những cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích bà con nhân rộng mô hình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin