Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã ghi nhận thông tin về các lỗ hổng an toàn thông tin của hãng Microsoft.
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin |
Theo đó, Microsoft đã phát hành danh sách bản vá tháng 10 vào ngày 8-10 vừa qua, với tổng 121 lỗ hổng an toàn thông tin. Trong đó, có 117 lỗ hổng an toàn thông tin trong các sản phẩm của Microsoft và 4 lỗ hổng an toàn thông tin trong các sản phẩm thuộc bên thứ ba có ảnh hưởng tới Microsoft.
Trong số này có 3 lỗ hổng mức nghiêm trọng và 115 lỗ hổng mức độ cao. Các lỗ hổng này có mức độ ảnh hưởng cao và nghiêm trọng, có thể bị đối tượng tấn công khai thác để thực hiện các hành vi trái phép, gây ra nguy cơ mất an toàn thông tin và ảnh hưởng đến các hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.
Một số lỗ hổng an toàn thông tin tồn tại trên một số sản phẩm của Microsoft như: Windows; Microsoft Office; Azure; .NET và Visual Studio; OpenSSH cho Windows; Power BI; Windows Hyper-V; Windows Mobile Broadband…
Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần lưu ý các lỗ hổng an toàn thông tin: CVE-2024-43468 trong Microsoft Configuration Manager; CVE-2024-43582 trong Remote Desktop Protocol Server; CVE-2024-43504 trong Microsoft Excel cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
Lỗ hổng CVE-2024-43572 trong Microsoft Management Console hiện đang bị khai thác trong thực tế, cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
Lỗ hổng CVE-2024-43583 trong Microsoft Winlogon cho phép đối tượng tấn công thực hiện leo thang đặc quyền (thông tin chi tiết về lỗ hổng này đã được công bố công khai).
Ngoài ra, các lỗ hổng an toàn thông tin CVE-2024-43576, CVE-2024-43616 trong Microsoft Office, CVE-2024-43505 trong Microsoft Office Visio cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa. Lỗ hổng CVE-2024-43573 trong Windows MSHTML Platform cho phép đối tượng tấn công thực hiện tấn công giả mạo (spoofing), hiện đang bị khai thác trong thực tế.
Vì vậy, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu thông tin về các lỗ hổng an toàn thông tin nêu trên, thực hiện rà soát hệ thống, xử lý các vấn đề về an toàn thông tin mạng trong hệ thống và gửi kết quả báo cáo rà soát về địa chỉ thư điện tử ncsc@ais.gov.vn chậm nhất trước ngày 25 hằng tháng. Trong trường hợp cần thiết có thể liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, điện thoại: 02432091616, thư điện tử: ncsc@ais.gov.vn.
Cục cũng khuyến nghị giải pháp tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng. Thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời các nguy cơ tấn công mạng. Kiểm tra, rà soát, xác định máy tính sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng. Biện pháp tốt nhất để khắc phục là cập nhật bản vá cho các lỗ hổng an toàn thông tin nói trên theo hướng dẫn của hãng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin