Vạn vật kết nối internet hiện đang là một xu hướng công nghệ sôi động vớikỳ vọng sẽ mang đến không ít cơ hội cho nước ta trong thời kỳ hội nhập. Số người dùng internet và thiết bị kết nối internet đã lên đến con số hàng tỷ và vẫn không ngừng tăng lên đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho vấn đề an ninh mạng trong kỷ nguyên số.
Theo chỉ số an ninh mạng năm 2017 được công bố bởi Liên hiệp viễn thông quốc tế, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 101, thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực như Indonesia (vị trí thứ 70), Lào (vị trí thứ 77), Campuchia (vị trí thứ 92) hay Mianma (vị trí thứ 100). Trong khi đó, một nước cũng thuộc Đông Nam Á là Singapore lại chiếm vị trí số 1, vượt qua cả Mỹ. |
An toàn môi trường mạng đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở nước ta, đây vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ; phần đông người sử dụng mạng chưa lường trước được các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường mạng. Nước ta thuộc nhóm các nước chỉ mới bắt đầu chú ý tới việc xây dựng luật liên quan đến tội phạm mạng và đào tạo nhân lực chống tội phạm mạng.
Mới đây (9-11), Cục An ninh mạng - Bộ Công an, Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông,Cục Quản lý Mật mã Dân sự và Kiểm định Sản phẩm mật mã - Ban Cơ yếu Chính phủ cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế đã phối hợp tổ chức Hội nghị Quốc gia An ninh mạng năm 2017 tại T.P Hồ Chí Minh. 250 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực đã mang đến bức tranh toàn cảnh về thực trạng tình hình an ninh mạng hiện nay. Kỳ họp Quốc hội vừa qua lần đầu tiên cũng đã dành ngày cả một ngày để thảo luận, mổ xẻ về dự thảo Luật An ninh mạng. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này bởi tình hình “bùng nổ” thông tin trên internet hiện nay.
Theo các chuyên gia về an ninh mạng đánh giá, hiện nước ta đang là nước nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất. Các thế lực thù địch, tội phạm triệt để lợi dụng tiện ích của internet, đặc biệt là mạng xã hội để tiến hành hoạt động xâm phạm an ninh trật tự, gây bất ổn trong xã hội. Trong khi đó, chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định về công tác an ninh mạng; các quy định hiện có về an toàn thông tin mạng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên không gian mạng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác an ninh mạng.
Luật An ninh mạng ra đời sẽ đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh Quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng; đồng thời thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc, sự phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiện nay, dự thảo luật đã được đang tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để trưng cầu ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến đã tham gia một cách thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, vì một xã hội phát triển bền vững, hội nhập và phát triển trong kỷ nguyên số, trong đó có cả những băn khoăn, trăn trở về chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho nhiệm vụ an ninh mạng. Nhiều ý kiến cho rằng, so với các nước phát triển thì trình độ khoa học, công nghệ nước ta còn khoảng cách khá lớn, có nguy cơ ngày càng tụt hậu; trong khi đó các nước phát triển đã làm chủ công nghệ chiến tranh điện tử, các phương tiện, vũ khí tác chiến bằng điện tử. Do vậy, cần xác định rõ tầm quan trọng của đội ngũ khoa học, công nghệ đối với xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Để hoàn thiện dự thảo Luật, tới đây, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và lấy ý kiến rộng rãi trong quần chúng nhân dân, Ban soạn thảo dự án sẽ tiếp tục rà soát lại nội dung, bố cục của Luật để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung; tính phù hợp với các cam kết quốc tế mà nước ta đang tham gia hoặc là thành viên; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của tổ chức, công dân, cũng như quyền bình đẳng trong hoạt động giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông nước ngoài đầu tư, hợp tác và cung cấp các dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.
Dự thảo về Luật an ninh mạng sẽ vẫn còn tiếp tục được đưa ra thảo luận tại kỳ họp toàn thể của Quốc hội, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Đây là cơ hội tốt để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Bởi vậy, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu hãy tiếp tục nghiên cứu,tham gia tích cực vào dự thảo này để hoàn thiện không chỉ riêng Luật an ninh mạng, mà phấn đấu hoàn thiện tổng thể khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực quan trọng này trong giai đoạn cách mạng mới.