Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông sẽ quyết định sự thành công đối với nhiệm vụ chuyển đổi số. Thái Nguyên được các nhà mạng đánh giá là thị trường tiềm năng về dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông khi có tốc độ phát triển kinh tế cao; là trung tâm vùng về giáo dục, y tế và là địa phương mới nổi trong thu hút đầu tư. Đây là điều kiện thuận lợi khi các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiến hành chuyển đổi số. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm “trũng viễn thông”, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi…
Do có nhiều chính sách của địa phương và sự nỗ lực của các hãng viễn thông lớn nên tỉnh ta đang sở hữu mạng lưới hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông quy mô rộng khắp và tương đối hiện đại. Các đơn vị viễn thông trên địa bàn đã dần đồng bộ hóa thiết bị, cập nhật công nghệ thôngtin tiên tiến, đáp ứng tốt về đường truyền, phát sóng trên nền tảng kỹ thuật số. Đến nay, số thuê bao Internet trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 150 nghìn thuê bao, phủ sóng di động gần 2 nghìn trạm; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao so với mặt bằng của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc… Đó là những điều thuận lợi để tỉnh thực hiện chuyển đổi số. Nhưng khi nhìn ngược lại, đánh giá những cái khó, sự cản trở đối với nhiệm vụ chuyển đổi số, chúng ta thấy còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập những điểm chưa có sóng điện thoại di động hay còn gọi là “vùng trũng viễn thông”.
Điểm đầu tiên chúng tôi khảo sát là T.P Sông Công. Đây là đô thị lớn thứ hai của tỉnh nên có nhiều lợi thế về các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông. Song, tại nhiều khu vực của xã Bình Sơn lại không có sóng điện thoại hoặc sóng của các nhà mạng chỉ ở mức “1 vạch” nên liên lạc phập phù, muốn gọi điện phải leo lên chỗ cao như đỉnh đồi, tầng thượng của một số nhà dân. Anh Dương Văn Sỹ, ở xóm Khe Lim, xã Bình Sơn cho biết: Nhà tôi có 5 nhân khẩu thì trừ 2 cháu nhỏ đang học tiểu học còn lại mọi người đều có điện thoại nhưng phân chia sử dụng cả 3 nhà mạng là Viettel, Vinaphone, Mobifone để đón sóng. Mạng Viettel sóng khỏe hơn nhưng đôi khi thời tiết mưa, nhiều mây liên lạc cũng chập chờn, còn việc xem trên mạng thì rất khó. Điều đáng tiếc nữa là xã Bình Sơn được T.P Sông Công định hướng phát triển dịch vụ du lịch vì có hồ Ghềnh Chè nhưng do hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông đều kém nên chưa thu hút được nhà đầu tư nào. Tại các xã phía Tây của T.X Phổ Yên, như: Phúc Tân, Phúc Thuận, Minh Đức, Thành Công cũng có nhiều điểm không có sóng điện thoại hoặc sóng rất yếu, liên lạc khó khăn.
Ngược lên các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh, như: Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương thì càng có nhiều “vùng trũng viễn thông”. Hình ảnh một số em học sinh ở xã Sảng Mộc (Võ Nhai) làm chòi, gác trên các ngọn cây cao gần trường học để học trực tuyến hoặc người dân địa phương tự làm “cây thu sóng” bằng cách dựng chòi cao chót vót khi muốn gọi, nghe điện thoại di động cho thấy hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông vẫn chưa phát triển đồng đều, giữa đô thị và nông thôn, miền núi còn khoảng cách, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Vừa mừng vừa lo khi xã được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh, đồng chí Nông Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sảng Mộc cho biết: Các xóm Khuổi Mèo, Nà Lay, Khuổi Chạo, Tân Lập, Nà Ca, Phú Cốc hầu như không có sóng di động, hệ thống mạng kém do đường truyền được lắp đặt từ lâu, hiện đã xuống cấp. Trường Tiểu học và THCS Tiên Sơn, nơi giảng dạy của 20 cán bộ, giáo viên và trên 130 học sinh được xây dựng ngay tại trung tâm bản người Mông Khuổi Mèo cũng chưa có đường truyền Internet để phục vụ công tác dạy và học. Do vậy, để chuyển đổi số thành công thì việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông phải được triển khai trước.
Mặc dù các nhà mạng đã ký kết với chính quyền địa phương về phủ kín mạng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh nhưng cũng đều tính đến hiệu quả kinh tế. Do vậy, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trạm phát sóng diện thoại di động (một số phường, thị trấn còn dày đặc trạm phát sóng) và hệ thống cáp truyền Internet đảm bảo tốc độ cao nhưng ở những vùng thưa dân cư, giao thông khó khăn vẫn thiếu trạm phát sóng, đường truyền Internet đứt quãng.
Nhận định rõ xu hướng phát triển toàn diện và tính tất yếu nên ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là chủ trương, chính sách đúng, trúng và toàn diện của tỉnh, nhưng để thực hiện thành công nhiệm vụ này, UBND các cấp trong tỉnh nên có lộ trình chi tiết, có tính chọn lựa trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội, tính đặc thù của từng địa phương để triển khai thực hiện. Nhất là việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông nên tiên phong…