Giờ đây nhiều hệ thống máy tính cũ được thông báo có thể cài Windows 11 thay vì bị cấm cửa hoàn toàn như trước đây.
Yêu cầu phần cứng đối với Windows 11 vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng người dùng khắp thế giới, dẫn tới việc Microsoft phải điều chỉnh danh sách hỗ trợ dù hệ điều hành mới đã tới gần lịch phát hành chính thức.
Theo đó, để trải nghiệm tối ưu hệ điều hành mới, người dùng vẫn cần có bộ xử lý 64-bit, RAM 4GB, bộ nhớ lưu trữ ít nhất 64 GB và bo mạch chủ hỗ trợ khởi động bảo mật (Secure Boot) UEFI, cơ chế bảo mật TPM 2.0.
Tuy bộ xử lý Core thế hệ thứ 8 hoặc mới hơn vẫn là yêu cầu cần có, nhưng Microsoft đã bổ sung một số bộ xử lý Core thế hệ thứ 7 vào danh sách hỗ trợ tối ưu, trong đó có cả Intel Core X-Series, Xeon W-Series (tham khảo tại đây).
Đáng chú ý, riêng với Intel Core 7820HQ di động, hãng phần mềm Mỹ cho biết sẽ chỉ cho phép một số máy tính xách tay với trình điều khiển mới đủ đáp ứng một số quy chuẩn về thiết kế được nâng cấp lên Windows 11, trong đó có Surface Studio 2.
Về phía phần cứng của AMD, Microsoft vẫn quyết định không đưa bộ xử lý Zen thế hệ thứ nhất vào danh sách hỗ trợ chính thức của Windows 11. Như vậy, người dùng muốn có trải nghiệm tốt nhất phải sở hữu máy tính được trang bị tối thiểu là các chip như EPYC 7252, Ryzen 3 3200U, Ryzen 5 2600, Ryzen 7 3800X, Ryzen 9 3900/5900... hoặc cao và mới hơn.
Tin vui hơn cả với cộng đồng công nghệ là thay vì “cấm cửa” hoàn toàn việc cài đặt Windows 11 dưới mọi hình thức, giờ đây Microsoft đã cho phép điều này được tiến hành trên máy tính với phần cứng không đáp ứng các tiêu chuẩn để được hỗ trợ chính thức như nêu ở trên.
Tuy nhiên, người dùng thay vì vài cú nhấn chuột để “lên đời” trực tiếp từ Windows 10 hay công cụ hỗ trợ của Microsoft, sẽ phải “tự thân vận động” thông qua việc tải bộ cài (dạng iso) từ trang web của Microsoft. Đây cũng là hình thức cài đặt được Microsoft phổ biến cho người dùng khối doanh nghiệp.