Giải quyết chế độ chính sách kịp thời nhờ số hoá

10:43, 21/12/2021

Tài liệu, hồ sơ được số hóa, việc tra cứu, khai thác thông tin phục vụ công tác giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng nhanh, chính xác; tác phong làm việc của cán bộ, viên chức, công chức cũng thay đổi tích cực, đó là kết quả bước đầu của chúng tôi trong chuyển đổi số- bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tâm đắc.

Hưởng ứng Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch triển khai đến các phòng và đơn vị trực thuộc. Từ đầu năm, Tổ công tác chuyển đổi số được thành lập, đồng chí Giám đốc Sở trực tiếp làm Tổ trưởng. Ngay sau thành lập, từ sở đến các đơn vị trực thuộc đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của Ngành. Góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo định hướng chung của tỉnh.

Để thực hiện số hóa thành công, Sở coi trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; nâng cao hệ thống mạng internet nội bộ; đầu tư thay thế một số thiết bị, máy vi tính bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn.

Một số phần mềm quản lý sau đầu tư được sử dụng, khai thác phục vụ công việc hiệu quả như: Phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp; phần mềm quản lý hồ sơ người có công với các mạng và phần mềm quản lý hộ nghèo...

Nhờ hồ sơ được số hóa, công tác quản lý, lưu trữ, tra cứu thông tin tiện ích hơn. Công tác tổng hợp, tham mưu của Ngành về các vấn đề xã hội cho tỉnh nhanh, chính xác.

Chúng tôi được biết thêm: Từ cuối tháng 1-2021, Đề án số hóa hồ sơ người có công của Sở được hoàn thành, với tổng số 130.000 bộ hồ sơ. Hơn 500 hồ sơ đã giải quyết được thực hiện ghép vào hồ sơ gốc lưu trên phần mềm quản lý và hồ sơ trong kho.

Nhờ số hóa, việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ gốc bảo đảm nguyên vẹn, không lo bị thất lạc. Cùng với đó là việc cập nhật biến động hồ sơ tăng, giảm thuận lợi. Nếu như trước đây, việc tính toán phải cộng bằng sổ sách, thì sau số hóa việc tra cứu, tính toán tổng hợp được thực hiện ngay trên máy vi tính. Cán bộ chuyên môn không phải lục tìm tài liệu trong “một núi” hồ sơ mà chỉ cần vài cú nhắp chuột đã có kết quả chính xác.

Có lẽ trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số. Minh chứng là từ năm 2016, phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo của Sở được đưa vào triển khai ứng dụng hiệu quả tại địa chỉ http://giamngheo.thainguyen.gov.vn.

Hiện, Sở có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin - Truyền thông; Liên minh SaigonTel - NGS cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội để cập nhật, triển khai thực hiện nền tảng xã hội số tỉnh Thái Nguyên “ThaiNguyen ID”.

Công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn được Sở tăng cường ứng dụng, như việc sử dụng phần mềm trong xây dựng báo cáo; 100% văn bản ký số điện tử; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tại địa chỉ http://dvcsoldtbxh.thainguyen.gov.vn.

Thêm một thông tin mới là phần mềm quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh và phần mềm quản lý nguồn nhân lực được Sở xây dựng hoàn thiện, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 31-12 tới.

Cùng với đầu tư công nghệ, số hóa tài liệu, hồ sơ là công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục, bảo đảm tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Các phòng chuyên môn giảm từ 9 phòng và 1 chi cục xuống 7 phòng. 11 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở giảm xuống còn 8 đơn vị. Cũng trong năm nay, Sở đã tổ chức kiểm tra, rà soát giảm bớt thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ.

Qua rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, Sở có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 2 thủ tục hành chính. Nếu như trước đây, thời gian giải quyết trong 10 ngày làm việc thì từ tháng 9 đã giảm xuống còn 7 ngày làm việc.

Hiện, Sở có tổng số 130 thủ tục hành chính, trong đó 104/104 thủ tục hành chính của Sở đã được chuẩn hóa và công khai trên Cổng dịch vụ công (đạt 100% kế hoạch).

Đến đầu tháng 12, Sở tiếp nhận gần 11.000 hồ sơ, đã giải quyết hơn 10.200 hồ sơ; gần 700 hồ sơ đang tiếp tục giải quyết. Ghi nhận từ 3 năm gần đây, nhiều lĩnh vực chuyên môn thuộc Sở quản lý được thực hiện ứng dụng công nghệ hiệu quả. Điển hình là hoạt động kết nối cung - cầu trong thị trường lao động. Thông qua mạng internet, các thông tin về vị trí việc làm, nhu cầu của nhà tuyển dụng và người lao động được đăng tải, chia sẻ rộng rãi.

Trong bối cảnh đại dịch COVID - 19 có nhiều diễn biến phức tạp, các phiên giao dịch việc làm online được tổ chức, thu hút gần 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong, ngoài tỉnh với hơn 22.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động và tuyển sinh học sinh học nghề.

Cũng từ ứng dụng công nghệ thông tin, việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp được thực hiện hiệu quả. Hạn chế tập trung đông người, giảm thời gian và chi phí đi lại cho người lao động.

Đã có hàng nghìn người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm; hàng nghìn người tìm được việc làm phù hợp với năng lực thông qua hình thức trực tuyến…

Để ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số hiệu quả hơn nữa, Sở tiếp tục đầu tư nâng cao hệ thống máy vi tính nội bộ, đường truyền internet; đồng thời nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về kỹ năng khai thác thông tin, tài liệu, hồ sơ phục vụ công tác chuyên môn.