Nền móng vững chắc và kỳ vọng mới

05:32, 23/12/2021

Với các chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đề ra, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được xác định là nền móng vững chắc cho mọi hoạt động CĐS trên địa bàn. Đến nay, sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.

P.V: Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình CĐS, tỉnh Thái Nguyên đang ở đâu trong “bản đồ” CĐS quốc gia và chúng ta đã làm được những gì, thưa đồng chí?

Đ/c Đỗ Xuân Hòa: Sau một năm đẩy mạnh CĐS theo nội dung Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh Thái Nguyên hiện xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về CĐS và thuộc nhóm 7 địa phương xếp loại A về mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng. Thái Nguyên được Trung ương đánh giá là địa phương đi nhanh, đi trước trong CĐS.

Về tổng quan, toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trên cả 3 trục CĐS. Về phát triển chính quyền số, tỉnh đã đáp ứng 100% thủ tục hành chính mức độ 4, 100% các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác hiệu quả; hoạt động của Trung tâm Dữ liệu tập trung, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin, Trung tâm Điều hành thông minh kịp thời, hiệu quả.

Trong lĩnh vực kinh tế số, Thái Nguyên đã đẩy mạnh thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số kết nối, quảng bá các sản phẩm chủ lực; đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, website Chè Thái Nguyên, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên; xúc tiến thành lập Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Yên Bình.

Đối với phát triển xã hội số, 100% cơ sở giáo dục ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường; 100% trạm y tế cấp xã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa; triển khai các nền tảng công dân số; triển khai wifi Internet miễn phí tại một điểm công cộng...

Đặc biệt, trong năm vừa qua, chúng ta đã đưa vào triển khai Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Đây là trung tâm của nhiều hoạt động ứng dụng CĐS và đang từng bước hoàn thiện. Trên nền tảng IOC, tỉnh đã triển khai được nhiều ứng dụng có giá trị thiết thực đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là phòng, chống COVID-19 như: C-ThaiNguyen, Bản đồ COVID-19, khám chữa bệnh từ xa, quản lý các khu, điểm cách ly, quản lý phương tiện đến Thái Nguyên…

Mới đây nhất, Thái Nguyên đã triển khai ứng dụng ThaiNguyen ID. Ứng dụng này giúp định danh chính xác cá nhân trên không gian số, qua đó nền tảng công dân số sẽ được thiết lập cho toàn bộ người dùng là công dân trong tỉnh trên cơ sở định danh cá nhân.

P.V: Bên cạnh những kết quả trên, việc thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU đã làm thay đổi nhận thức của các địa phương, đơn vị về CĐS như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Đỗ Xuân Hòa: Việc triển khai, quán triệt Nghị quyết số 01-NQ/TU được thực hiện kịp thời, hiệu quả đã làm thay đổi nhận thức về CĐS của các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh, bước đầu tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và toàn xã hội.

Các hoạt động ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước góp phần thay đổi phương thức, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Việc khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý, gửi nhận văn bản điện tử, tổ chức hội nghị trực tuyến được thực hiện thường xuyên, thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và hệ thống một cửa điện tử từ tỉnh đến cấp xã từng bước hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.

P.V: Hiện nay, Thái Nguyên còn gặp những khó khăn, rào cản nào trong việc đẩy mạnh CĐS và nguyên nhân là gì, thưa đồng chí?

Đ/c Đỗ Xuân Hòa: Việc thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU trên địa bàn còn một số khó khăn như: Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng chưa cao; việc triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung, khai thác và chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của các cơ quan nhà nước còn có những hạn chế nhất định; giá trị một số chỉ số thành phần trong chỉ số xếp hạng xã hội số, kinh tế số của tỉnh còn thấp.

Nguyên nhân của các tồn tại trên là do hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về CĐS chưa cụ thể. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ công còn hạn chế, chậm thay đổi. Cùng với đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương bước đầu triển khai còn lúng túng; kỹ năng của cán bộ, công chức, viên chức tham mưu về CĐS chưa đồng đều; nguồn kinh phí bố trí triển khai thực hiện CĐS còn hạn chế.

P.V: Thời gian tới, chúng ta cần làm gì để tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu CĐS trong Nghị quyết số 01-NQ/TU, thưa đồng chí?

Đ/c Đỗ Xuân Hòa: Tỉnh cần tập trung nguồn lực triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án về CĐS; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng Đề án Khu CNTT tập trung Yên Bình; hoàn thiện IOC Thái Nguyên, nền tảng xã hội số và ứng dụng “ThaiNguyen ID”; rà soát, từng bước hoàn thiện, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu hành chính. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện CĐS.

Các sở, ngành, địa phương cần rà soát, nâng cấp bảo đảm tiêu chí dịch vụ công mức độ 4 và đồng bộ lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng thành phố thông minh.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!