Số hóa ở Hội Nông dân tỉnh

09:28, 10/03/2022

Giảm thời gian đi lại, tiết kiệm được một số chi phí không cần thiết, hiệu quả công tác tăng. Việc trao đổi 2 chiều giữa các cấp Hội nhanh. Hội viên nắm bắt các văn bản chính sách của tổ chức Hội đầy đủ, chính xác. Ông Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tâm đắc khi nói về Chương trình chuyển đổi số của Hội như vậy.

Số hóa công việc chuyên môn là một xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ 4.0 và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều diễn tiến phức tạp. Từ những ngày làm việc sau Tết Nguyên đán 2022, Hội Nông dân tỉnh phải hoạt động trong điều kiện “Cơ quan có F0”. Một số cán bộ, viên chức mắc COVID-19 nhưng không có biểu hiện lâm sàng được tổ chức ăn, ở và làm việc tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh. Các trường hợp F1 được bố trí ở, làm việc tại trụ sở chính của cơ quan.

Hạn chế tiếp xúc tối đa, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, an toàn sức khỏe cho mọi người, song công việc chung của Hội không bị gián đoạn.  Đây là kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của Hội. Bởi ngay từ bước đầu triển khai ứng dụng công nghệ, số hóa chuyên môn, đội ngũ cán bộ hội các cấp đã tích cực hưởng ứng, tự học tập, tìm hiểu, chia sẻ với nhau về kỹ năng ứng dụng công nghệ trên mạng Internet, Zalo, Facebook.

Trước đây, các văn bản chỉ đạo của Hội cấp trên chuyển về cơ sở phải thông qua đường bưu điện, hoặc do cán bộ Hội trực tiếp chuyển bằng văn bản in, khi ứng dụng công nghệ thông tin thì mọi việc đơn giản hơn. Chỉ một cú nhắp chuột, trong tích tắc văn bản đã được chuyển đến địa chỉ cần gửi.

Ngược lại, các báo cáo từ cơ sở cũng được chuyển đến Hội cấp trên thông qua đường thư điện tử. Hiện có 80% tổng số hồ sơ công việc của Tỉnh hội; 60% tổng số hồ sơ công việc của hội cấp huyện; hơn 50% tổng số hồ sơ công việc của hội nông dân cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Để ứng dụng công nghệ, thực hiện số hóa của Hội thành công, từ cuối tháng 4-2021, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Hội được thành lập, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các hoạt động tuyên truyền về chuyển đối số được triển khai rộng khắp trong toàn Hội. Các cơ sở hội cũng đã chỉ đạo cho hội viên cài đặt ứng dụng C-Thai Nguyen và sử dụng ứng dụng chuyển đổi số.

Một phòng họp trực tuyến trị giá gần 100 triệu đồng được lắp đặt, sử dụng hiệu quả. Phòng họp kết nối liên thông với các phòng họp trực tuyến theo đầu mối từ cấp tỉnh đến cấp xã. Nhiều hội nghị tổng kết, triển khai nhiệm vụ của Hội được tổ chức trực tuyến. Một số báo cáo nhiệm vụ công tác của Hội được ứng dụng công nghệ thông tin, minh họa bằng hình ảnh, video sống động.

100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kì, báo cáo thống kê, chuyên đề phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo hội các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung. 100% dữ liệu văn bản của Hội được số hóa, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Hội và làm kho lưu trữ, tra cứu, phục vụ công tác.

Chúng tôi được biết, đến nay đã có hơn 90% nội dung tuyên truyền của tổ chức Hội thực hiện trên không gian mạng. Hơn 70% các thông tin, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Hội cấp tỉnh và cấp huyện được cập nhật kịp thời trên Website của Hội. Công tác chỉ đạo, quản lý Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cũng được triển khai thí điểm áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Gần 77.000 cán bộ, hội viên cài đặt ứng dụng C-Thai Nguyen Và phần mềm Bluezone trên điện thoại thông minh; sử dụng mã QR trong khai báo y tế.

Các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên được Hội cập nhật, kết nối đăng tải thông tin lên ứng dụng C-Thai Nguyen.

Từ tích cực thực hiện chuyển đổi số, Hội còn tạo dựng thêm một kênh thông tin mới về công tác Hội và Phong trào nông dân trong toàn tỉnh. Theo đó, tài khoản Zalo Official Account của Hội được thiết lập, đăng kí bản quyền với cơ quan chức năng. Và thông qua ứng dựng nền tảng Zalo, việc trao đổi thông tin nhiều chiều giữa các cấp hội tiện lợi, nhanh, đầy đủ và bảo đảm chính xác. Nhiều ý kiến xác đáng của hội viên được lãnh đạo Hội nắm bắt, giải quyết kịp thời nhờ hình thức chia sẻ này.

Từ cuối năm 2021, nhiều hàng hóa nông sản của hội viên được giới thiệu, quảng bá thông qua sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn. Đây là sản phẩm phối hợp trong thực hiện chuyển đổi số giữa Hội với VNPT và Viettel Thái Nguyên, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.