Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về Chương trình chuyển đổi số (CĐS), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh đã sớm xây dựng chương trình CĐS trong hệ thống Mặt trận, bước đầu thực hiện đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Ông Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thời gian qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chú trọng đầu tư trang thiết bị phục vụ CĐS như: Nâng cấp phòng họp trực tuyến; phối hợp với các nhà mạng để triển khai kết nối đường truyền trực tuyến tới ủy ban MTTQ các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
Hiện nay, nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức được thực hiện trực tuyến. Một số hội nghị triển khai phòng họp không giấy tờ. 100% thông tin, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện được cập nhật kịp thời trên Trang thông tin điện tử MTTQ. Các dữ liệu văn bản của MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện được số hóa, làm kho dữ liệu lưu trữ, tra cứu, phục vụ công tác.
Nhằm ứng dụng CNTT vào công việc, Ban Thường trực MTTQ tỉnh yêu cầu cán bộ MTTQ các cấp sử dụng điện thoại thông minh để cài đặt ứng dụng C-Thái Nguyên, khai thác thông tin trên Webside, đặc biệt trên trang thông tin điện tử MTTQ, ứng dụng mạng xã hội để xử lý công việc hằng ngày.
Thông qua ứng dụng CNTT, CĐS trong hệ thống Mặt trận bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Hoàng Văn Đại, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Định Hóa bày tỏ: “Chương trình CĐS đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành của MTTQ các cấp, đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian, linh hoạt trong quản lý, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ”.
Còn ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, nói: “Thông qua chuyển đổi số, những cán bộ Mặt trận cơ sở như chúng tôi thấy rất hữu ích, đặc biệt trong việc thông báo nội dung cuộc họp, nắm bắt dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân”.
Ông Phạm Thái Hanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết thêm: Theo lộ trình, Ủy ban MTTQ tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ chuyên trách MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ, phổ cập kỹ năng số, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ gắn với công tác Mặt trận. Trên 90% số hồ sơ công việc của MTTQ cấp tỉnh; trên 80% số hồ sơ công việc của MTTQ cấp huyện và trên 60% hồ sơ công việc của MTTQ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Đến năm 2030, Ủy ban MTTQ tỉnh phấn đấu trên 70% hoạt động kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện được thực hiện thông qua môi trường số. 100% số hồ sơ công việc của MTTQ cấp tỉnh; trên 90% số hồ sơ công việc của MTTQ cấp huyện và trên 70% hồ sơ công việc của MTTQ cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Để tổ chức thành công việc số hóa và đẩy mạnh CĐS, MTTQ tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về CĐS, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ MTTQ các cấp về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS. Cùng với đó là đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt MTTQ các cấp, tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.