Vượt qua khó khăn về vị trí địa lý, địa hình và cơ sở hạ tầng, người dân vùng cao Võ Nhai đã và đang chủ động áp dụng công nghệ số vào sản xuất, tiêu thụ nông sản, quảng bá du lịch và phục vụ đời sống hằng ngày.
Nhờ hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông được đầu tư đồng bộ, bà con người dân tộc thiểu số ở xóm Na Bả, xã Phương Giao (Võ Nhai), dễ dàng tìm kiếm thông tin trên Internet. Ảnh: T.L |
Tuy là một đơn vị kinh tế tập thể còn non trẻ nhưng Hợp tác xã (HTX) mỳ, bún khô Tiến Diện, ở xóm Cầu Nhọ, xã Tràng Xá (Võ Nhai), đã nhanh chóng bắt nhịp với phương thức kinh doanh trong thời đại số. Ông Hoàng Tiến Diện, Giám đốc HTX, cho biết: Chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, mạng Zalo, Facebook và sắp tới là livestream bán hàng trên Tiktok. Các sản phẩm đăng bán đều có tem truy xuất nguồn gốc và các thông tin rõ ràng nên được khách hàng phản hồi rất tốt. Nhờ đó, HTX đạt doanh thu 200-250 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho trên 20 lao động, với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Giờ đây, tất cả thành viên HTX đều đã thích nghi với việc kinh doanh trên môi trường số, kênh bán hàng số đang chiếm 40-50% lượng hàng bán ra của đơn vị.
Còn với bà Hoàng Thị Thậm, xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, cách đây khoảng 4 năm, khi công cuộc chuyển đổi số chưa diễn ra mạnh mẽ, bà không thể tưởng tượng mình có thể “chơi phây” thành thạo để quảng bá du lịch của quê hương như bây giờ. Đầu năm 2022, nhận thấy tiềm năng du lịch của xóm Mỏ Gà và được sự hỗ trợ của địa phương, bà Thậm đầu tư xây dựng Mộc homestay phục vụ khách du lịch lưu trú, trải nghiệm và ăn uống.
Người dân xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, sử dụng điện thoại thông minh để giới thiệu đến du khách về Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà. |
Thời gian đầu, lượng khách khá thưa vắng, đa số là người quen nghe giới thiệu rồi đến. Được các con “chỉ điểm”, bà Thậm mày mò học cách quảng bá homestay của gia đình qua mạng xã hội. Bà chia sẻ: Tôi dần thành thạo việc đăng tải thông tin, hình ảnh, vẻ đẹp của hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà… lên mạng xã hội. Điều này giúp cho homestay ngày càng được nhiều người biết đến. Hiện nay, trung bình mỗi tháng homestay của gia đình tôi đón khoảng 300-400 lượt khách.
Đối với chị Lý Thị Dia, một người dân ở bản Mông Mỏ Chì, xã Cúc Đường, công nghệ số tuy không tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp, nhưng giúp chị học hỏi được nhiều kiến thức mới. Chị Dia nói: Tôi có chiếc điện thoại thông minh, loại rẻ thôi nhưng vẫn kết nối tốt với Internet. Vào vụ ngô, tôi lên mạng tìm hiểu về các giống ngô lai cán bộ xã giới thiệu, xem loại nào phù hợp thì mua giống về trồng. Con gà, con lợn trong nhà cũng phát triển khỏe mạnh nhờ học theo hướng dẫn chăn nuôi, phòng bệnh trên mạng. Các con của tôi đôi lúc cũng dùng điện thoại để tìm kiếm thông tin về bài học trên lớp.
Không chỉ với từng cá nhân, công nghệ số đã “len lỏi” vào đời sống của phần đa người dân sinh sống trên địa bàn huyện Võ Nhai, kể cả những xã nằm cách trung tâm huyện hàng chục km. Ở xã Bình Long, nơi có 52% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân đã biết sử dụng Internet phục vụ phát triển kinh tế, giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán không dùng tiền mặt...
Người dân xã Bình Long thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. |
“Toàn xã hiện có khoảng 65% số dân trưởng thành có điện thoại thông minh; tỷ lệ người dân sử dụng mạng Internet đạt khoảng 60%; trên 50% người có hồ sơ sức khỏe điện tử. Bình Long đã có chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt …” - bà Nguyễn Thị Gấm, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long, thông tin.
Tính chung toàn huyện, hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư từng bước hiện đại, 100% xã, thị trấn và các xóm có dịch vụ Internet; huyện đã khai trương, ra mắt Cổng thông tin và app Du lịch thông minh Võ Nhai, thư viện điện tử. Việc giải quyết các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, thuận tiện, nhanh chóng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 97,46%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt trên 65%...
Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của huyện được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ sò; các hoạt động livestream bán hàng nông sản ngày càng được mở rộng, tiêu biểu là Chương trình livestream phiên chợ na La Hiên và nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên tổ chức tháng 8-2023 thu hút hàng chục nghìn lượt người theo dõi trực tiếp trên các mạng xã hội và trên 1.600 đơn đặt hàng trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh (trong đó có trên 1.000 đơn mua sản phẩm na, với tổng khối lượng 6,3 tấn).
Toàn huyện duy trì 8 chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đa phần người dân trên địa bàn huyện đã cài đặt và sử dụng các ứng dụng: C-ThaiNguyen, Thái Nguyên ID, Sổ sức khỏe điện tử, VneID…
Việc tiếp cận với công nghệ số để phát triển kinh tế - xã hội đã từng bước làm thay đổi diện mạo các xóm bản vùng cao ở Võ Nhai. Sự chủ động của người dân cũng như những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang góp phần tích cực để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin