“Phủ sóng” thanh toán không dùng tiền mặt

Phan Trang 06:59, 06/06/2024

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã và đang được ứng dụng rộng khắp tại các xã, thị trấn và trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn huyện Phú Bình; góp phần hình thành xu hướng tiêu dùng thông minh, hiện đại của người dân.

Người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện Phú Bình.
Người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện Phú Bình.

Đến với các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Phú Bình, không khó để bắt gặp người dân đang quét mã QR hoặc chuyển khoản để thanh toán. Từ sạp hàng thực phẩm đến cửa hàng quần áo, tạp hóa, đồ gia dụng, các tiểu thương đều đã trang bị mã thanh toán QR để tiện dụng cho người mua hàng thực hiện giao dịch.

Anh Nguyễn Văn Tuân, chủ một cửa hàng tạp hóa ở chợ Tân Đức, cho biết: 2 năm trở lại đây, số khách hàng có nhu cầu thanh toán KDTM ngày càng tăng, chiếm khoảng 80% trong tổng số giao dịch mua bán. Kể từ khi ứng dụng thanh toán trực tuyến, đặc biệt là qua mã QR, tôi thấy rất tiện lợi và nhanh chóng. Bởi lẽ, tôi không phải đổi quá nhiều tiền lẻ để trả lại và số tiền người mua thanh toán cũng luôn đảm bảo chính xác.

Không chỉ trong kinh doanh, thương mại - dịch vụ, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được người dân sử dụng khi thực hiện các giao dịch với cơ quan, đơn vị của Nhà nước. Chị Ngô Phương Anh, xóm Táo, xã Hà Châu, cho biết: Từ lâu, tôi đã có thói quen không mang theo tiền mặt khi đi làm hoặc mua sắm. Chính vì vậy, khi chính quyền địa phương trang bị sẵn mã QR tại Bộ phận Một cửa, tôi thấy rất tiện lợi và hài lòng. Tôi không cần phải đi rút tiền hoặc sợ quên mang ví mỗi khi đến nộp hồ sơ thủ tục hành chính.

Hiện nay, người dân sử dụng nhiều hình thức TTKDTM, gồm: chuyển khoản trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến, quét mã QR, thẻ tín dụng… Nhờ hình thức thanh toán đa dạng nên ngày càng nhiều người dễ dàng tiếp cận và sử dụng thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ, nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày.

Tính đến nay, có trên 80% số dân trên địa bàn huyện có tài khoản thanh toán điện tử; trong đó chủ yếu là tài khoản ngân hàng: VIB, VPbank, Agribank, Viettinbank, MBbank, BIDV…; ví điện tử (MoMo, Viettel Money, VNPT Money…). Hầu hết tiểu thương tại các chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã ứng dụng TTKDTM.

Người dân quét mã QR để thanh toán khi mua hàng.
Người dân quét mã QR để thanh toán khi mua hàng.

Bộ phận Một cửa cấp huyện, xã đã triển khai thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 88,71% trên tổng số hồ sơ đã tiếp nhận. Đối với lĩnh vực giáo dục, 100% trường học đã triển khai TTKDTM trong thu học phí và một số khoản thu qua phần mềm của Misa, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện khai, nộp thuế điện tử cũng đạt 100%.

Để đạt được kết quả trên, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với đơn vị bưu chính, viễn thông, các ngân hàng tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở tài khoản và sử dụng ứng dụng TTKDTM. Đồng thời phối hợp triển khai mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại 14 chợ trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, UBND huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn thành lập 276 tổ công nghệ số cộng đồng với 1.837 thành viên. Mỗi địa phương đã thành lập nhóm Zalo để thường xuyên đôn đốc các tổ hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, khuyến khích tiếp cận, sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến.

Ngoài ra, huyện còn đề nghị các đơn vị viễn thông phát triển các thuê bao di động, đầu tư lắp đặt, nâng cấp hạ tầng mạng, đảm bảo hạ tầng số. Đến nay, 100% xóm, tổ dân phố đã phủ sóng di động 3G/4G; 66,78% số hộ dân có đường internet kết nối cáp quang.

Có thể thấy, TTKDTM đã và đang đem lại nhiều tiện ích tới cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện Phú Bình tiếp tục yêu cầu các phòng, đơn vị chuyên môn, các địa phương đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ, công chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của hình thức TTKDTM trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, tăng tỷ lệ mở tài khoản thanh toán trực tuyến cho người dân.