Mặc dù năm 2014 được cho là năm Việt Nam có mức lạm phát thấp kỷ lục trong khoảng 13 năm trở lại đây khi chỉ ở con số 1,84%, nhưng điều đáng lưu ý mức lạm phát này vẫn còn cao hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế khi phân tích chất lượng tăng trưởng kinh tế cho thấy lạm phát của nước ta có những dấu hiệu khá tích cực, nhưng mức tăng thấp về chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei, Philippines. Trong khu vực Đông Nam Á, CPI của Việt Nam chỉ thấp hơn chút ít so với Indonesia, Myanmar, Lào và ngang bằng với Campuchia. Như vậy trong cùng một khu vực địa kinh tế, cùng chịu những ảnh hưởng chung của sự tác động của kinh tế thế giới, lạm phát của Việt Nam tuy đã có những dấu hiệu tích cực, nhưng chưa thực sự mạnh mẽ và chúng ta vẫn còn bộc lộ những yếu kém so với ngay trong số những quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á. Đây thực sự là một thách thức trong ổn định và phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2015 và những năm tới để Việt Nam có thể theo kịp các nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy vẫn còn những yếu kém, song đánh giá về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cả trong nước và quốc tế cũng cho rằng Việt Nam đã đạt được sự ổn định nhất định về kinh tế vĩ mô; các chính sách kịp thời và khá mạnh mẽ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có các chính sách về tài chính, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thông thoáng về các hoạt động trong lĩnh vực bất động sản… Đặc biệt là sự ổn định chính trị đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đến với Việt Nam. Năm qua, kinh tế Việt Nam đã cho thấy có sự phục hồi; tăng uy tín đồng nội tệ; môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp đã cho thấy có những thuận lợi hơn nhờ các chính sách thông thoáng và minh bạch hơn, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, cấp phép đầu tư, kinh doanh, môi trường …
Về dự báo cho tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Việt Nam trong năm 2015, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế cũng cho thấy Việt Nam chưa thể có những đột biến mà sẽ vẫn chỉ ở mức khiêm tốn do chất lượng sản xuất còn ở mức thấp; nhiều doanh nghiệp chưa có sức cạnh tranh cao. Mặt khác Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới vẫn tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công; lĩnh vực bất động sản chưa cho thấy có sự hồi phục rõ rệt… Một vấn đề nữa cũng chưa được giải quyết tốt đó là khi các doanh nghiệp vẫn thiếu tiền để sản xuất, kinh doanh, trong khi ngân hàng lại cho thấy dư thừa tiền. Tiền gửi vào ngân hàng đang ở mức thấp hơn 5%, nhưng khi các ngân hàng cho vay vẫn còn ở mức cao và các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay còn khá khó khăn. Vì vậ,y khi mà chất lượng sản xuất, năng suất lao động, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp; các nhà sản xuất, kinh doanh và ngân hàng chưa có sự gặp nhau một cách tốt nhất thì sản xuất chưa thể có sự phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế còn thấp và lạm phát tăng cao cũng rất có thể quay lại trong ngắn hạn.