Lợi thế“vô giá” để thu hút đầu tư

14:39, 11/10/2019

Sự quyết tâm thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạo sự thông thoáng, minh bạch của môi trường đầu tư, sự thân thiện giữa cán bộ, công chức cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh với doanh nghiệp, người dân. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đưa Thái Nguyên trở thành địa phương có sức hút đối với các nhà đầu tư trong, ngoài nước...  

Nền tảng tạo ra thành quả

Việc đánh giá đúng thực trạng công tác CCHC để từ đó phân tích điểm mạnh, điểm yếu, đề ra giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư được các địa phương trong tỉnh thực sự coi trọng, triển khai thực hiện thường xuyên. uBND tỉnh xác định mấu chốt trong công tác CCHC để thu hút đầu tư là hoàn thành cơ chế một cửa, một cửa liên thông về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở cả 3 cấp chính quyền nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, văn minh. Với phương châm cải thiện môi trường đầu tư, thân thiện với nhà đầu tư, thân thiện với người dân và vận dụng linh hoạt CCHC vào thực tiễn tại địa phương đã giúp Thái Nguyên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư trong suốt 10 năm qua. Theo ông Hoàng Thái Cương, giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư: Liên tục trong 3 năm trở lại đây, lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng bình quân từ 15% - 20% mỗi năm và đến hết quý II/2019, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 6.500 doanh nghiệp. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp tăng nhanh, nguồn vốn bình quân của doanh nghiệp trong tỉnh đạt trên 100 tỷ đồng (cao gấp 7 lần so với giai đoạn 2005-2010). Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp quy mô doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng. Cá biệt, có doanh nghiệp FDI đã đạt doanh thu gần 600.000 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp phát triển nên đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho gần 50 vạn lao động trong, ngoài tỉnh. khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư ngoài đã chiếm tới 35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Điều này chứng minh cho sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và sự bứt phá sau đầu tư của từng doanh nghiệp. 

Chỉ số được đặc biệt quan tâm

Có thời điểm, Thái Nguyên là địa phương nằm trong nhóm cuối của cả nước về các chỉ số liên quan đến CCHC. Trong đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã bị cơ quan chuyên môn xếp hạng cực thấp. Tuy nhiên, sau “cú sốc” đó, các cấp, ngành trong tỉnh đã nỗ lực đổi mới trong CCHC để thu hút đầu tư và có sự bứt phá ngoạn mục. Tính đến thời điểm này, Thái Nguyên đang được xếp hạng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đứng ở vị trí thứ 2 bảng xếp hạng các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc với tổng số 61,21 điểm. Điều đó thể hiện sự nỗ lực rất lớn của địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Để có được kết quả trên, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc để chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực: Thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép xây dựng, đất đai, thủ tục đầu tư, nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư trong nước và quốc tế. uBND tỉnh đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại gần 100% cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn. Tỉnh còn tổ chức các cuộc họp về tăng cường giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh và công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên mọi địa bàn xã, phường trong tỉnh. Việc kiểm tra công tác CCHC ở các cơ quan, đơn vị, địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đồng nhất. 

Hiện có 18/20 sở, ban, ngành; 9/9 đơn vị cấp huyện; 100% đơn vị cấp phường, xã trong tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đem lại sự hài lòng đáng kể cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh còn đầu tư xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan Đảng, Nhà nước để kết nối giữa các cấp, ngành; xây dựng hệ thống thư điện tử (mail.thainguyen.gov.vn) cho 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tác nghiệp, quản lý, điều hành; 97,8% máy tính đã được kết nối internet băng rộng để công khai TTHC và các hoạt động công vụ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tra cứu được thuận lợi. Tiêu biểu là ngành Thuế đã tạo được hành lang chuyên nghiệp, thông thoáng, thời gian giải quyết nhanh, gọn, chính xác, minh bạch, đúng pháp luật, tạo niềm tin và sự hài lòng của người dân khi đến giao dịch. Hệ thống kê khai thuế qua mạng internet giúp doanh nghiệp giảm chi phí và phiền hà khi thực hiện các TTHC, tạo thuận lợi cho việc hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và nâng cao uy tín, hình ảnh của cơ quan thuế trong cộng đồng xã hội.

Ngoài thực hiện hiệu quả công tác CCHC trong thu hút đầu tư, vấn đề quy hoạch và giải phóng mặt bằng (gPMB) cũng được 9/9 huyện, thành, thị trong tỉnh thực hiện sớm nên các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II, Nam Phổ yên và các cụm công nghiệp tại T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập với tổng diện tích 1.420ha. Trong đó, có nhiều diện tích trong các khu công nghiệp ở T.P Sông Công, T.X Phổ yên, huyện Phú Bình đã xây dựng xong hạ tầng, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Với nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác CCHC đã đem lại nhiều thành quả cho tỉnh: Thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh phát triển, góp phần tạo việc làm cho người lao động; tăng trưởng kinh tế (tăng 25%/năm) và nâng cao thu nhập bình quân đầu người; thu ngân sách vượt kế hoạch hơn 30%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng gần 19%; giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ uSD... Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch nên tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, với tổng số vốn đăng ký gần 7,3 tỷ uSD. 

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Để thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển theo hướng tăng cơ cấu dịch vụ, thương mại và công nghiệp, Thái Nguyên tiếp tục xác định chính quyền phải đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp. Do vậy, trong năm 2019 này, ngoài thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như những năm trước, tỉnh còn có các cơ chế đặc thù hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đào tạo nghề cho lao động, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp, hỗ trợ thông tin, phát triển thị trường… Đặc biệt, từ Hội nghị xúc tiến đầu tư (01/7/2018) đến nay, tỉnh còn có các chính sách hỗ trợ theo từng lĩnh vực, như: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao; dịch vụ thương mại; nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư kết cấu hạ tầng chợ nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường bằng công nghệ hiện địa. Song song với đó, địa phương sẽ xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, phát huy các ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa; ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp.