Sáng 11-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị được truyền trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên các đồng chí: Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành, địa phương liên quan cùng các đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị nhằm đánh giá tác động của tình hình thế giới đối với nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời, lắng nghe, thảo luận các giải pháp chủ động thích ứng, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm của người lao động, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế bền vững.
Hội nghị được truyền trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cũng vào thời điểm này năm ngoái, cũng tại Trụ sở Chính phủ, chúng ta đã cùng nhau bàn việc chống dịch COVID-19. Trạng thái năm ngoái và năm nay khác nhau vì lúc đó dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế 2 năm qua vẫn tăng trưởng dương; 6 tháng đầu năm vẫn giữ đà tăng trưởng.
Nhiệm vụ lớn nhất của chúng ta đặt ra là kiểm soát dịch bệnh đã đạt được; về phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta đã ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; phát triển quan hệ đối ngoại. Đây là kết quả rất đáng trân trọng.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Thái Nguyên. Ảnh: T.H
Hội nghị này cũng là dịp để Chính phủ gặp gỡ, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, mất mát, thậm chí là hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp trong hơn 2 năm phòng, chống dịch vừa qua; cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp đã luôn luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân trong những lúc khó khăn, thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, truyền thống quý báu tốt đẹp của dân tộc ta càng khó khăn, càng đoàn kết; chúc mừng cộng đồng doanh nghiệp luôn “biến nguy thành cơ”, đoàn kết, thống nhất tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, vươn lên phát triển.
Thời gian qua, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chính sách thay đổi, xung đột Nga-Ukraine làm giá cả, thị trường thay đổi, tình hình lạm phát trên thế giới cao chưa từng thấy trong 30-40 năm, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; thị trường bị thu hẹp, tỷ giá, lãi suất thay đổi… tác động lớn đến tình hình Việt Nam.
Thời gian tới, dự báo tình hình vẫn diễn biến phức tạp, giá cả, nhất là giá dầu vẫn tăng cao, sự biến động vẫn chưa dừng lại. Nội tại của nền kinh tế vẫn còn khó khăn, tồn đọng kéo dài nhiều năm, chưa kể phát sinh những vấn đề mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta vừa phải giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa phải làm các nhiệm vụ thường xuyên; phải đối phó, thích ứng những diễn biến mới trong điều kiện khó khăn.
Quyết tâm của Đảng, Nhà nước và mục tiêu lớn nhất, xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa mở rộng, tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả. Hai chính sách này phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giúp nền kinh tế phát triển.
Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Muốn vậy, chúng ta phải phát triển các doanh nghiệp lớn mạnh vì nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, trong khi độ mở lớn, một diễn biến nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn đến tình hình trong nước.
Hội nghị này cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp; các đại biểu đã dành thời gian, công sức đóng góp cho hội nghị.
Thủ tướng đề nghị với tinh thần xây dựng, trao đổi thắng thắn, đánh giá liên quan những cái được, chưa được, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan trong bối cảnh hiện nay, từ đó rút kinh nghiệm để xây dựng, đề ra các giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững, là những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển doanh nghiệp nói chung và tại hội nghị này.
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 là một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng.
Chương trình được thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng, trong đó các hỗ trợ liên quan đến chính sách tài khóa chiếm 83% tổng gói hỗ trợ (gồm các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đầu tư phát triển y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng.. .), chính sách tiền tệ chiếm 14% (bao gồm tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh; điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất...) và các hỗ trợ khác 3%. Đây là chương trình cần thiết trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp và gặp nhiều khó khăn, tạo ra động lực cho phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn và phục hồi sau COVID-19, trong khuôn khổ Chương trình phục hồi kinh tế, các bộ, ngành đã nỗ lực trình Chính phủ ban hành các văn bản để hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ lãi suất các khoản vay, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất.
Tính đến hết tháng 7-2022, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm, gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ước khoảng 89,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: Số tiền thuế gia hạn khoảng 43 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 46,2 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Tính đến ngày 22-7-2022, gói hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 196,7 tỷ đồng hỗ trợ cho gần 340 nghìn người lao động đang làm việc trong 3,3 nghìn đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho gần 5.000 người lao động quay trở lại làm việc tại khoảng 600 doanh nghiệp. Thị trường lao động dần phục hồi tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,4 triệu người cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước; lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,3 triệu người, tăng 417 nghìn người so cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện. Ngày 26-08-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo đó tập trung vào các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến; và hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp…
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Đến hết năm 2021, trên cả nước có khoảng 854.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước, và tăng gần 12,6% so với năm 2019.
Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 89.407 doanh nghiệp, mức cao nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130 nghìn doanh nghiệp (133.708 doanh nghiệp, vượt xa số 105.425 doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái), tăng 26,8% so cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so cùng kỳ năm 2021; có 94.575 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 là 3.335.810 tỷ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2021). Đây là kết quả hết sức ấn tượng nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp kịp thời của Chính phủ…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, thể hiện sự đồng lòng giữa các doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành một nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Thời gian tới, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, vượt khó vươn lên, cùng Chính phủ và Nhân dân xây dựng đất nước hùng cường. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn xã hội để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, mở rộng thị trường, tạo việc làm ổn định cho người dân. Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát các khó khăn, vướng mắc của các loại doanh nghiệp, trên các lĩnh vực, từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp, đưa các doanh nghiệp phát triển ổn định về chất lượng và số lượng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - Nhân dân - Doanh nghiệp…