Đồng hành với hội viên nghèo

09:16, 12/08/2022

Trong phong trào giảm nghèo bền vững, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh luôn đồng hành với hội viên (HV). Bằng việc tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng; hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, Hội đã giúp nhiều gia đình HV tự tin vươn lên, ổn định cuộc sống.

Nhà ông Hầu Văn Đạt ở xóm Đồng Luông, xã Tân Long (Đồng Hỷ). Vì có 1 con trai bị tàn tật nên chính quyền địa phương xếp gia đình ông vào hộ chính sách. Đầu năm 2022, gia đình ông được HLV tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Hiện, đàn gà của gia đình ông Đạt phát triển tốt, chuẩn bị được xuất bán vào cuối tháng này.

Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV tỉnh cho biết: Ông Đạt là 1 trong 5 trường hợp hộ chính sách của tỉnh được tổ chức Hội hỗ trợ tiền để thực hiện mô hình chăn nuôi gà sinh học năm 2022. Theo kế hoạch, Hội hỗ trợ 1 mô hình 400 con gà giống, kèm theo vắc-xin phòng bệnh và thức ăn phối trộn cho gà. Qua kiểm tra, 100% hộ tham gia mô hình sử dụng vốn đúng múc đích, đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh.

Các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ cho HV chưa nhiều, nhưng đủ để động viên, giúp đỡ HV tin tưởng, gửi gắm niềm tin. Bà Lục Thị Cửu, xóm Trung Thành, xã Vô Tranh (Phú Lương), chia sẻ: Với tôi, Hội là ngôi nhà lớn. Ở đó chúng tôi được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn đầu tư sản xuất, xây dựng mô hình vườn đẹp, nhà đẹp; đồng thời chúng tôi có cơ hội giúp nhau vốn liếng, kỹ năng cùng vươn lên làm giàu.

Gia đình bà Cửu được HLV hỗ trợ hệ thống tưới chè công nghệ Israel từ năm 2019. Nhờ có hệ thống tưới dưỡng, bãi chè của gia đình bà tăng thêm 1 lứa hái/năm, năng suất cũng tăng từ 100kg lên 120kg chè búp tươi/sào/lứa hái. Cùng ở huyện Phú Lương, gia đình bà Nguyễn Thị Tươi, xóm Ngoài, xã Tức Tranh, cũng được Hội hỗ trợ công nghệ tưới Israel.

Bà Tươi phấn chấn nói: Nhờ có giàn tưới, chè của gia đình tôi không chỉ tăng năng suất, mà sản phẩm bán được với giá cao hơn so với trước từ 25 đến 30.000 đồng/kg…

Đi dưới nắng tháng Tám, mồ hôi bết lưng áo, chúng tôi đến thăm vườn thanh long của gia đình HV Đặng Văn Tâm, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Ông Tâm cho biết: Nhờ Hội hỗ trợ cho giàn tưới nên mấy trăm trụ thanh long của gia đình tôi không bị khô khát, 3 năm nay cho năng suất ổn định, hơn 50kg quả/trụ.

Bà Đào Thị Dung (thứ 2 từ phải vào), Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà thả vườn tại gia đình ông Hầu Văn Đạt, xóm Đồng Luông, xã Tân Long (Đồng Hỷ).

Cứ lặng lẽ “dâng mật ngọt cho đời”, trong 7 tháng của năm 2022, Hội đã hỗ trợ HV ở các xã Yên Ninh (Phú Lương), Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) và Phúc Lương (Đại Từ) 2.000 cây giống ăn quả, gồm bưởi đỏ Tân Lạc, táo lê Đài Loan và ổi lê Đài Loan, tỷ lệ cây sống đạt 99%.

Để nâng cao năng lực xây dựng mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng cho HV, trong thời gian 5 năm gần đây, Hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức mở hơn 100 lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật trồng cây ăn quả, sản xuất chè an toàn, chăn nuôi gia cầm, nuôi ong lấy mật cho hơn 5.000 lượt HV.

Riêng trong 7 tháng năm nay đã có 82 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi được mở với gần 3.800 lượt HV tham gia.

Được thường xuyên trang bị, bổ sung kiến thức khoa học-kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kịp thời, phong trào làm kinh tế vườn, ao, chuồng của HV ngày càng lan tỏa, phát triển rộng rãi ở các vùng nông thôn, hình thành nên những gia trại, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác. Theo đó là nhiều sản phẩm OCOP được nâng tầm chất lượng. Góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.