Vụ mùa năm nay, bà con nông dân trong tỉnh gieo trồng được gần 3,4 nghìn héc-ta rau các loại, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 95,7% kế hoạch. Hiện nay, mặc dù giá rau, củ, quả đang ở mức cao so với năm trước, nhưng niềm vui của người nông dân không được trọn vẹn khi năng suất và sản lượng rau sụt giảm đáng kể do thời tiết thất thường.
Do ảnh hưởng của thời tiết bất thuận nên một số hộ trồng rau ở xóm 6, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) phải mất nhiều công chăm sóc nhưng sản lượng rau lại bị sụt giảm. |
Theo khảo sát của chúng tôi, từ đầu tháng 7 trở lại đây, giá các loại rau ở nhiều chợ trên địa bàn tỉnh tăng cao, cụ thể như: Mướp đắng, mướp hương, bầu, bí, dưa chuột… tăng từ 7-10 nghìn đồng lên 15-20 nghìn đồng/kg; rau cải canh tăng từ 10 nghìn đồng lên 20 nghìn đồng/kg; rau muống, rau ngót tăng từ 4-5 nghìn đồng lên 10 nghìn đồng/mớ. Đặc biệt, các loại rau thơm, hành lá tăng gấp 2-3 lần, hiện có giá từ 50-70 nghìn đồng/kg tùy loại.
Lý giải về nguyên nhân rau tăng giá, chị Nguyễn Thị Hiệp, Giám đốc HTX Bình Minh, xã Nhã Lộng (Phú Bình) thông tin: Thời tiết mưa to gây ngập úng khiến việc sản xuất rau màu của bà con gặp nhiều khó khăn. Các loại rau, củ, quả mới trồng được vài hôm thì bị ngập nước, bà con lại phải mất công dọn dẹp, xử lý đất để gieo trồng lứa mới. Mọi năm, trung bình 1 sào dưa hấu chúng tôi thu được 1 tấn quả, nhưng năm nay chỉ đạt 1,5 tạ; dưa lê thu hoạch không đáng kể. Đối với các loại rau ăn lá cũng bị táp, thối nhũn, ảnh hưởng đến năng suất. HTX có 10ha sản xuất rau an toàn, sản lượng vụ mùa năm nay bị sụt giảm, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, các hộ trồng rau ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khiến rau không đạt năng suất, sản lượng như mọi năm. Bà Đặng Thị Anh, ở xóm 6, chia sẻ: Nhà tôi trồng 8 sào rau các loại, chủ yếu là bầu, bí, mướp đắng, mướp hương… Mùa hè năm nay, thời tiết mưa nhiều rồi lại đến các đợt nắng nóng gay gắt khiến cây mướp bị héo dây, bầu bị chảy nhựa chết hàng loạt. Chúng tôi phải nhổ cây trồng lại lần thứ 2 mới được thu nhưng quả cũng không sai, chỉ bằng 1/3 sản lượng so với năm trước, chưa kể giá phân bón tăng khiến chi phí sản xuất cũng tăng cao. Vì thế, mặc dù rau được giá nhưng nếu tính cả công chăm sóc và các rủi ro do thời tiết, tiền vật tư phân bón, giống cây trồng thì lợi nhuận của người trồng rau cũng không nhiều.
Thời gian qua, không chỉ riêng Thái Nguyên mà các địa phương lân cận cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan nên sản lượng rau xanh giảm, ngoài ra, chi phí sản xuất tăng cao, tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm. Khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy, sản phẩm rau của bà con nông dân trong tỉnh chủ yếu được sử dụng tươi, thời gian bảo quản ngắn (trong vòng 1-2 ngày) chiếm tới trên 90% sản lượng; còn rau được bảo quản trong kho lạnh chiếm tỷ lệ thấp (dưới 10% sản lượng). Sản lượng rau tiêu thụ trong tỉnh chiếm khoảng 85-90%, đáp ứng được trên 60% nhu cầu tiêu dùng (tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, qua các thương lái, doanh nghiệp tư nhân thu mua gom), còn lại là nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất rau tập trung, như: Linh Sơn, Huống Thượng (TP. Thái Nguyên), thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), Nhã Lộng (Phú Bình), Đông Cao (TP. Phổ Yên), Động Đạt (Phú Lương)...
Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm rau của bà con chưa đồng đều. Toàn tỉnh hiện mới có trên 100ha sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận, chưa có diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, phương thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau còn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm và chưa hình thành nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ nên vẫn xảy ra tình trạng được mùa thì mất giá và ngược lại là mất mùa thì được giá.
Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp đã giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Sở và các địa phương liên quan xây dựng một số mô hình hiệu quả trong phát triển kinh tế tập thể, tập hợp nhiều hộ sản xuất rau nhỏ lẻ tham gia HTX để tạo vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật canh tác mới (sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…) và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định và bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin