Vốn tín dụng chính sách: “Trụ cột” giảm nghèo bền vững

Hạ Liên 10:55, 07/09/2022

Giảm nghèo bền vững luôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân, một chính sách mang tính nhân văn sâu sắc. Nghị định số 78/2022/NĐ-CP (NĐ78) ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng người nghèo và các đối tượng chính sách khác là một minh chứng thể hiện rõ điều đó. Tại Thái Nguyên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, việc triển khai NĐ78 đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, khẳng định vị trí là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo.

Đối với các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nguồn vốn vay từ NHCSXH được xem như “cứu cánh” quan trọng, giúp họ vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

NĐ78 được triển khai thực hiện thông qua hệ thống NHCSXH. Đối tượng được vay vốn theo NĐ này bao gồm: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đối tượng cần vay vốn để giải quyết việc làm; các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; các tổ chức kinh tế và hộ sản xuất, kinh doanh thuộc hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ…

Tại Thái Nguyên, sau 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo NĐ78, từ 3 chương trình tín dụng đầu tiên, với dư nợ 175 tỷ đồng, đến nay, toàn tỉnh đã triển khai thêm 16 chương trình, với dư nợ đạt 3.976 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6-2022, doanh số cho vay đạt 12.367 tỷ đồng, với gần 617 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2002-2022 là 19%/ năm. Mức cho vay bình quân/hộ ngày càng tăng, từ 3,3 triệu đồng/hộ (năm 2003) lên 37,3 triệu đồng/hộ (hiện nay).

Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh: Để chuyển tải nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người vay, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân. Đồng thời thiết lập mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại cơ sở...

Kết quả, những năm gần đây, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH tỉnh luôn chiếm trên 99% trong tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình cùng Tổ trưởng Tổ TK-VV xóm Kiều Chính (xã Xuân Phương) kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay. (Ảnh: Vi Vân)

Cùng với đó, tại các thôn, xóm, vai trò của trưởng xóm trong việc trực tiếp chứng kiến và giám sát công tác bình xét cho vay; thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ TK&VV cũng được chú trọng và mang lại hiệu quả rất thiết thực. Tất cả những điều này đã giúp đồng vốn của NHCSXH đến được đúng đối tượng và việc sử dụng vốn trở nên đúng mục đích hơn. Chất lượng tín dụng nhờ đó được nâng cao, thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn từ nhiều năm nay chỉ còn trên dưới 0,05% trong tổng dư nợ.

Cũng theo ông Lê Văn Hồng, nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung chủ yếu cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách. Trong đó, trên 89% dư nợ được đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục và đào tạo; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... nhằm giúp các đối tượng này cải thiện cuộc sống. Từ đó, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn vay NHCSXH, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả, cho thu nhập cao, như: Mô hình chăn nuôi lợn, gà kết hợp trồng cây ăn quả của bà Trần Thị Mến, xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ); mô hình chăn nuôi bò 3B của hộ anh Dương Văn Bình, tổ dân phố Khu Yên, phường Bách Quang (TP. Sông Công); mô hình chăn nuôi bò, lợn nái của hộ ông Nguyễn Văn Quyết, xóm Hân, xã Tân Hòa (Phú Bình); mô hình trồng và chế biến chè đồng thời vay vốn học sinh, sinh viên cho 2 con của hộ bà Phan Thị Hiền, xóm Đan Khê, xã Tức Tranh (Phú Lương); mô hình trồng rừng keo của hộ bà Lưu Thị Hường, xóm Lương Tiến, xã Phú Tiến (Định Hóa)...

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2003-2005, vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 9,85% xuống còn 4,68%; giai đoạn 2006-2010 giảm số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ 26,85% xuống còn 10,8%; giai đoạn 2011-2015 giảm từ 20,57% xuống 7,06%; giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm từ 13,4% xuống còn 2,82%.

Với kết quả đạt được trong những năm qua, tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo và được đánh giá là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện NĐ78 trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm còn rất lớn nhưng nguồn vốn lại hạn chế, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; một số chương trình cho vay còn thấp...

Trên cơ sở này, tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu tổng quát trong hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương trong giai đoạn tiếp theo (đến năm 2030) là: Phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đảm bảo thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội gắn với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững…

Theo đó, đã có nhiều giải pháp được UBND tỉnh đề ra. Trong đó, Thái Nguyên sẽ tập trung nguồn lực cho NHCSXH để thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp tỉnh, huyện thực hiện tốt vai trò quản trị hoạt động trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hằng năm và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ; thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo chiến lược đã được phê duyệt…