Lãi suất tiền gửi tăng: Cải thiện nguồn vốn huy động

Hạ Liên 07:40, 30/11/2022

Trước nhu cầu về nguồn vốn tăng cao, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chạm ngưỡng tín dụng cho vay ngay từ cuối quý II năm nay. Sự tăng trưởng này khiến việc tiếp cận nguồn vốn của nhiều khách hàng trong những tháng cuối năm trở nên khó khăn. Để giữ chân và thu hút khách hàng tiền gửi, nhiều ngân hàng đã thực hiện giải pháp tăng mạnh lãi suất đầu vào. Nhờ đó, nguồn vốn huy động của các ngân hàng có dấu hiệu tăng trở lại.

Khách hàng giao dịch tại Phòng Giao dịch Vietcombank Gang Thép.

Khoảng 7-8 năm trở lại đây, tốc độ huy động nguồn vốn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn cao hơn tín dụng cho vay từ 2-3%. Tuy nhiên, năm nay, xu hướng này lại đang bị đảo chiều. Tính đến cuối tháng 6/2022, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đã tăng tới 10,62% (tương ứng tăng 7.593 tỷ đồng) so với cuối năm 2021, đưa tổng dư nợ cho vay đạt 79.090 tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vốn chỉ tăng 6.468 tỷ đồng (tương ứng 7,62%). Cũng do đã chạm ngưỡng tín dụng cho vay được giao nên bắt đầu từ tháng 7, huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm. Tính đến cuối tháng 8/2022, con số này giảm 1.427 tỷ đồng so với cuối tháng 6.

Trước thực tế này, để giữ chân khách hàng có ý định rút tiền ra, từ giữa tháng 7, một số ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhỏ, có nhu cầu tăng nguồn vốn đã bắt đầu tăng lãi suất huy động. Đến ngày 22/9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, tăng từ 0,2%/năm mức lãi suất tối đa tăng lên 0,5%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, tăng từ 4% lên 5%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Đối với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do từng ngân hàng ấn định, dựa trên cung - cầu vốn thị trường... Trên cơ sở điều chỉnh của NHNN, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động thêm trung bình từ 1-2%/năm (tùy kỳ hạn).

Hàng bán chậm, cùng với lãi suất ngân hàng tăng cao và nguồn vốn vay bị hạn chế đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh sắt thép gặp khó khăn.

Ở một khía cạnh khác, cũng do việc khó cho vay ra của ngân hàng đã khiến thị trường bất động sản trở nên trầm lắng. Vì thế, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh lựa chọn phương án gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi. Huy động vốn nhờ đó bắt đầu tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 9/2022, tổng nguồn vốn huy động toàn tỉnh đạt 90.609 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng so với cuối tháng 8.

Dù vậy, xét trên phạm vi cả nước, sự tăng trưởng giữa huy động và cho vay vẫn chưa theo đúng định hướng. Cụ thể, trong khi tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,35%, thì huy động vốn chỉ đạt 4,78% so với cuối năm 2021. Thực tế này buộc các ngân hàng tiếp tục phải điều chỉnh tăng lãi suất và NHNN không thể không điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ hai đối với tiền gửi bằng VNĐ. Việc điều chỉnh này nhằm kích thích các tổ chức, cá nhân tiếp tục gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, giúp ngân hàng huy động thêm nguồn vốn, cải thiện thanh khoản, góp phần nâng cao an toàn hệ thống và có đủ nguồn vốn để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, việc NHNN tăng lãi suất điều hành còn được cho là nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - một tổ chức tài chính lớn, có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng đến toàn thế giới) trong thời gian tới. Từ đó giúp "giải tỏa" bớt áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Cụ thể, từ ngày 25/10/2022, lãi suất huy động được điều chỉnh từ 0,5% lên 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 5% lên 6% đối với tiền gửi huy động từ 1 đến dưới 6 tháng.

Như vậy, chỉ trong hai lần điều chỉnh, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng hiện nay đã quay về mức trước khi có dịch COVID-19 và tương đương thời điểm 2014.

Về vấn đề tăng lãi suất huy động, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Trong các tháng 9, 10 và đầu tháng 11/2022, Vietinbank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 3 lần và triển khai áp dụng nhiều chương trình ưu đãi với mức lãi suất tối đa ở các kỳ hạn, tăng từ 2-3% so với mức lãi suất huy động tại thời điểm đầu tháng 8/2022. Nhờ đó, huy động vốn đã có sự cải thiện. Trong tháng 11/2022, nguồn vốn huy động dân cư tại Chi nhánh đã tăng trưởng trở lại (tăng khoảng 100 tỷ so với tháng 10), trong khi các tháng trước đó nguồn vốn sụt giảm gần 400 tỷ đồng. Tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được nhiều khách hàng lựa chọn, hiện chiếm tỷ trọng 53% trong cơ cấu nguồn vốn của đơn vị.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Với nền kinh tế mở của Việt Nam hiện nay, thì sự biến động của thị trường tiền tệ thế giới sẽ tác động ngay đến trong nước. Việc NHNN điều chỉnh tăng lãi suất huy động đã phần nào giúp các ngân hàng đảm bảo nguồn vốn để cho vay ra. Song ở một khía cạnh khác, điều này lại đang làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến giá cả tăng theo và ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. Dù vậy, tư vấn đưa ra là các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh vẫn cần tiếp tục chủ động nguồn tài chính cũng như phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp.


Từ khóa:

lãi suất

vốn

ngân hàng