Sản xuất, kinh doanh gặp khó do khan hiếm xăng dầu

Minh Phương 07:30, 29/11/2022

Việc khan hiếm và tăng giá xăng, dầu thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, sản xuất chế tạo, kim loại và khai thác mỏ… Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất, kinh doanh, bởi thời điểm này là giai đoạn nước rút để các đơn vị, DN về đích cuối năm…  

Hoạt động vận tải đường thuỷ tại Cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên) khá trầm lắng do khan hiếm xăng dầu
Hoạt động vận tải đường thuỷ tại Cảng Đa Phúc (TP. Phổ Yên) khá trầm lắng do khan hiếm xăng dầu

Về tình trạng khan hiếm xăng, dầu thời gian gần đây, anh Đào Nam Thắng, lái xe buýt tuyến Thái Nguyên - Định Hoá thuộc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, phản ánh: Chúng tôi lái xe dịch vụ nên phải di chuyển đường dài thường xuyên, liên tục. Có thời điểm, do khan hiếm nguồn cung nên để đủ nhiên liệu chạy tuyến, tôi phải đến 2-3 cửa hàng để đổ xăng, dầu. Chưa kể việc dừng, đỗ bất tiện, đợi chờ khá lâu mới đến lượt, khách hàng thì phàn nàn...

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan: Xăng, dầu liên tục biến động sau 4 lần điều chỉnh trong tháng 11 khiến nhiều DN kinh doanh vận tải lâm vào khó khăn, nhất là khi giá dầu cao hơn giá xăng. Cụ thể, các xe buýt của chúng tôi đang dùng dầu diesel 0,05 có giá 24.980 đồng/lít, nhưng do khan hiếm loại dầu này nên chúng tôi phải chuyển sang dùng dầu diesel 0,01 có giá 26.960 đồng/lít. Với tổng số phương tiện vận tải của đơn vị hiện là 250 đầu xe, mỗi ngày cũng “ngốn” hết khoảng 6.000 - 7.000 lít xăng, dầu. Chi phí tăng cao, trong khi giá vé lại không thể liên tục điều chỉnhnên Công ty chấp nhận giảm lợi nhuận khoảng 20-30% để duy trì hoạt động.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương, Giám đốc kinh doanh xăng, dầu, Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan, thông tin: Chưa bao giờ kinh doanh xăng, dầu lại rơi vào tình trạng "dị biệt" như năm nay. Nhà nước chỉ điều hành và quy định đối với giá bán lẻ xăng, dầu; còn DN đầu mối và DN phân phối có quyền quyết định giá bán buôn xăng, dầu. Giá bán buôn được xác định theo các quy luật thị trường, do đó sẽ biến động liên tục, lúc cao, lúc thấp và do các yếu tố trên thị trường quyết định.

Cũng theo bà Hương, vừa qua, thị trường chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố dịch bệnh, địa chính trị, chi phí tăng cao nhưng chưa kịp phản ánh vào giá bán lẻ do Nhà nước công bố. Trong khi giá bán buôn được cấu thành từ các chi phí thực tế phát sinh nên cao hơn giá bán lẻ và xuất hiện tình trạng "bán lẻ rẻ hơn bán buôn". Do nguồn vốn khó khăn nên DN chỉ đủ nhập hàng về cung ứng cho các phương tiện vận tải hoạt động. Còn mảng kinh doanh xăng, dầu hiện vẫn còn khó khăn.

Không riêng DN vận tải, các DN sản xuất cũng trong cảnh “đứng ngồi không yên" vì tình trạng khan hiếm xăng, dầu. Nhất là mặt hàng dầu Diesel bởi loại nhiên liệu này được sử dụng nhiều để phục vụ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất; nhiên liệu hoạt động của phương tiện máy móc công trình trọng điểm…

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty Diesel Sông Công, chia sẻ: Công ty hiện sử dụng dầu Diesel cho đội vận chuyển nội bộ (xe nâng, xe tải), xe vận tải giao hàng, xe văn phòng. Tình trạng khan hiếm xăng, dầu dẫn đến nguy cơ thiếu nhiên liệu để duy trì hoạt động của các nhóm phương tiện vận chuyển này. Ngoài ra, Công ty còn sử dụng khoảng 15.000 đến 20.000 lít dầu hỏa/tháng trong quá trình sản xuất mặt hàng chủ lực. Trong thời gian tới, nếu tình trạng thiếu nguồn cung dầu hỏa kéo dài 1-2 tháng nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến dừng hoạt động sản xuất của Công ty bởi đơn vị chưa tìm được nguồn nhiên liệu thay thế được dầu hoả.

Cũng đang gặp khó do nguồn cung xăng dầu hạn chế, ông Trịnh Thanh Hà, Giám đốc Mỏ sắt Tiến Bộ, đơn vị thành viên của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, nói: Là đơn vị chuyên khai thác mỏ nên chúng tôi cần nguồn nhiên liệu lớn để vận hành máy móc và phương tiện khai thác. Từ trước tới nay, xăng, dầu của Mỏ do Xí nghiệp Vận tải của Công ty thực hiện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc cung ứng này khá bấp bênh, chúng tôi chỉ đủ nhiên liệu đáp ứng việc vận chuyển quặng sắt về phục vụ các nhà máy trong Công ty sản xuất. Còn việc thực hiện bóc đất khai thác quặng mới, Mỏ đang phải tạm dừng chờ chỉ đạo của lãnh đạo Công ty. 

Trao đổi thêm với một số DN, chúng tôi được biết, tình trạng khan hiếm xăng, dầu trên địa bàn tỉnh hiện đã giảm, các đơn vị cung ứng đang cố gắng bù đắp nguồn cung để phục vụ dân sinh. Song, đối với các DN sản xuất, họ chủ yếu mua mặt hàng này trực tiếp tại các DN phân phối, tổng kho ở ngoại tỉnh nên vẫn chưa giải quyết triệt để được tình trạng khan hiếm. Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trong chặng nước rút để về đích này. 

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Nguồn cung khan hiếm cộng với giá xăng, dầu tăng cao như “gọng kìm” siết chặt DN. Hiện, nhiều DN chỉ dám xác định mục tiêu có thể duy trì hoạt động bình thường thay vì tính đến chuyện có lợi nhuận. Nếu không có giải pháp kịp thời giải quyết, tình trạng thiếu nguồn cung xăng, dầu sẽ khiến nhiều DN tiếp tục gặp khó, dẫn đến các hệ lụy, bao gồm cả mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh năng lượng.