Đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở những nơi có nhiều đồi núi, những chân ruộng cao, khó xây dựng hệ thống thủy lợi… dẫn đến khó khăn trong phát triển sản xuất. Nhưng với ý chí, quyết tâm thoát khó, đồng bào không bỏ đất hoang mà tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nhằm nâng thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Dương Văn Huy (xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, Đồng Hỷ) chăm sóc vườn ba kích tím của gia đình. |
Trước đây, hơn 5 sào chè của gia đình bà Trần Thị Thành (xóm Khe Vàng, xã Phú Đô, Phú Lương) là đất cấy lúa, nhưng hiệu quả không đáng là bao do bị chuột bọ phá hoại. Đầu năm 2017, bà Thành đã xin phép chính quyền địa phương cải tạo lại ruộng và chuyển sang trồng chè, với giống chè TRI777. Sau gần 6 năm, cây chè đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, mỗi lứa bà Thành thu 2 tạ chè búp khô, với giá bán trung bình 150 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi lứa chè bà thu được hơn 20 triệu đồng.
Còn ông Dương Văn Huy, xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), lại có cách làm khác. Do đất bạc màu, nguồn nước tưới khó khăn, giá cả bấp bênh, đường giao thông không thuận tiện nên 1 mẫu ruộng cấy lúa, trồng ngô cùng 1,4 mẫu chè và 10ha trồng cây phấn, cây tre của gia đình ông đem lại hiệu quả kinh tế thấp. Vì vậy, ông chuyển sang trồng cây ba kích tím, cây dổi lấy hạt và cây keo.
Ông Huy cho hay: Vừa qua, gia đình bán 2ha keo, thu về khoảng 200 triệu đồng. Còn với ba kích và dổi, sau hơn 1 năm trồng, tôi nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển nhanh, so với các cây trồng trước đây thì những cây trồng này tốn ít chi phí và công chăm sóc hơn.
Gia đình bà Trần Thị Thành vừa chuyển đổi thêm 4 sào đất trồng ngô sang trồng chè. |
Thời gian qua, nhằm khắc phục những khó khăn trong sản xuất, đồng bào sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến những mảnh ruộng nương khô cằn trước đây thành vùng đất trù phú, đem lại giá trị kinh tế cao.
Đơn cử như ở huyện vùng cao Võ Nhai, trong những năm qua, nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng bào đã tạo ra những vùng trồng cây ăn quả lớn, với tổng diện tích gần 1,6 nghìn ha và phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 2,5 nghìn ha; hay vùng trồng cỏ ở các xã Bình Long, Dân Tiến, Cúc Đường, Thượng Nung... phục vụ chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, với tổng đàn toàn huyện đạt gần 14.000 con…
Để có được những kết quả như hiện nay, ngoài sự nhạy bén, dám nghĩa, dám làm của người dân, thời gian qua, các cấp, ngành có nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có hỗ trợ giống cây trồng.
Điển hình như Chương trình 135, trong giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ 445 dự án về cây trồng, vật nuôi, tập huấn kỹ thuật; Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên” giai đoạn 2014-2020, đã hỗ trợ giống, phấn bón trồng ngô lai cho gần 7.000 lượt hộ, với diện tích trên 3.100ha và hỗ trợ trồng cây ăn quả với diện tích 40ha …
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin