Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm

Nguyên Ngọc 20:39, 16/11/2022

Chiều 16-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải (GTVT). Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; đại diện các bộ, ngành liên quan. Phiên họp được kết nối trực tuyến với 40 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố có công trình, dự án trọng điểm đi qua.

Phiên họp được kết nối trực tuyến với 40 điểm cầu tỉnh, thành phố có các công trình, dự án trọng điểm đi qua.
Phiên họp được kết nối trực tuyến với 40 điểm cầu tỉnh, thành phố có các dự án, công trình giao thông trọng điểm đi qua.

Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì tại điểm cầu Thái Nguyên.

Theo Quyết định số 884/QÐ-TTg ngày 23/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các công trình, dự án quan trọng quốc gia gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần. Trong đó, Bộ GTVT là cơ quan chủ quản 3 dự án và 4 dự án thành phần; các địa phương làm cơ quan chủ quản 5 dự án và 24 dự án thành phần; các bộ, ngành và doanh nghiệp làm cơ quan chủ quản 1 dự án và 3 dự án thành phần.

Tại Phiên họp, đại diện Bộ GTVT báo cáo tổng hợp tiến độ các dự án, dự án thành phần; thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng phát biểu, thông tin về tình hình triển khai các công trình, dự án; phản ánh những khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng đến tiến độ, như: Công tác giải phóng mặt bằng; vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu đắp nền đường; giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn, chi phí trượt giá dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu ảnh hưởng đến tiến độ triển khai... 

Thái Nguyên có 1 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT được triển khai trên địa bàn là Dự án đường Hồ Chí Minh. Hiện nay, giai đoạn 1 của Dự án (đoạn Chợ Mới - Chợ Chu) với tổng chiều dài 17,4km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 3-2019. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 2 của Dự án (đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn), có tổng chiều dài 29,76km, phải được khởi công vào năm 2018 và hoàn thành vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên giai đoạn 2 của Dự án đã bị chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện đơn vị đang hoàn chỉnh thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Dự kiến, Bộ GTVT sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý II/2023, sau đó tiến hành khởi công trong năm 2023, hoàn thành Dự án vào năm 2025, đảm bảo thông tuyến toàn bộ đường Hồ Chí Minh theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chỉ đạo, đôn đốc trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ đang quyết liệt triển khai 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các dự án này; rút kinh nghiệm từ những cách làm hay và cả những hạn chế, bất cập trong nhiều năm qua, trong đó khâu yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện. Việc triển khai hiệu quả các dự án là hành động thiết thực để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo ra không gian, động lực phát triển mới ở các vùng miền, địa phương và cả nước; góp phần giải quyết nút thắt về giao thông vận tải, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và tạo việc làm cho người dân; thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Để các dự án bảo đảm đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, chọn tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thầu đảm bảo quy định của pháp luật; phát huy tối đa tinh thần, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương, bộ, ngành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ vì mục tiêu đã đề ra; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu và nhận thức sâu sắc về lợi ích của các dự án để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, kiểm soát chặt chẽ chất lượng; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu dự án hoàn thành không đúng tiến độ…