Giữ rừng đặc dụng ở ATK Định Hoá

Việt Dũng 07:29, 16/11/2022

Theo rà soát, diện tích rừng đặc dụng của huyện Định Hoá được đưa vào quy hoạch của tỉnh và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia là 5.505ha (thời kỳ 2021-2030). Với diện tích lớn như vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn huyện không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đối khí hậu mà còn giúp giữ gìn, bảo vệ các di tích lịch sử tại ATK Định Hoá.

Cán bộ Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá hướng dẫn người dân trồng quế tại vùng đệm với rừng đặc dụng tại xã Tân Dương (Định Hoá)
.
Cán bộ Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá hướng dẫn người dân trồng quế tại vùng đệm rừng đặc dụng tại xã Tân Dương.

Xã Bảo Linh (Định Hóa) có trên 2.121ha đất lâm nghiệp thì tới 1.242ha là rừng đặc dụng (chiếm 58%). Diện tích rừng đặc dụng lớn, trong khi địa phương nằm ở khu vực nhiều đồi núi nên công tác quản lý rừng đặc dụng của lực lượng Kiểm lâm gặp không ít khó khănn.

Vì vậy, một trong những giải pháp được Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá triển khai hiệu quả là tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế ở vùng đệm rừng đặc dụng. Từ đó, nhằm nâng cao đời sống của người dân, giảm thiểu việc bà con vì sinh kế nên phá rừng.

Đơn cử như tại Khuổi Chao, là xóm có khoảng 600ha rừng, trong đó, phần lớn nằm trong vùng đệm rừng đặc dụng. Được sự tuyên truyền của lực lượng Kiểm lâm và định hướng của địa phương, hầu hết các cánh rừng ở Khuổi Chao hiện đã phủ xanh bằng các loại cây lâm nghiệp cho giá trị kinh tế cao (như: keo, quế, mỡ…), mang lại thu nhập đáng kể cho người dân sống trong vùng đệm rừng đặc dụng. Qua đó, góp phần không nhỏ giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bà Nông Thị Điểm, Bí thư Chi bộ xóm Khuổi Chao, cho biết: Cán bộ kiểm lâm cùng chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá cũng triển khai Dự án trồng rừng tập trung, hỗ trợ các cộng đồng dân cư phát triển kinh tế từ rừng. Qua đó, bà con nâng cao ý thức về quản lý và bảo vệ rừng. Nhiều năm liền, ở Khuổi Chao không xảy ra vụ việc vi phạm quy định về lâm nghiệp cũng như liên quan đến rừng đặc dụng.

Không riêng Bảo Linh, chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng và phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng cũng được Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá triển khai rộng khắp tại 23 xã, thị trấn trong toàn huyện. Các hình thức hỗ trợ chủ yếu là cây giống, phân bón, vật liệu để xây dựng cầu dân sinh, đường giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt...

Cụ thể, giai đoạn 2019-2022, Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá đã hỗ trợ 80 lượt cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng, với mức 40 triệu đồng/xóm, tổng kinh phí hỗ trợ 3,2 tỷ đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ bà con phát triển kinh tế vùng đệm rừng đặc dụng, hoạt động tuyên truyền Luật Lâm nghiệp được lực lượng Kiểm lâm đặc biệt quan tâm.

Ông Mông Chí Mùa, Phó Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc, thông tin: Điềm Mặc có diện tích rừng đặc dụng lớn với 777ha, chủ yếu nằm xung quanh các di tích lịch sử. Hiện nay, nhiều hộ dân vẫn đang sinh sống tại vùng lõi rừng đặc dụng. Do đó, chính quyền xã thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá tổ chức tuần tra, kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Kết quả, nhiều năm nay trên địa bàn xã không xảy ra các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp liên quan đến rừng đặc dụng. Không những vậy, cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học được giữ vững.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Kiểm lâm huyện Định Hoá đã lập hồ sơ xử lý 29 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 67,3m3 gỗ quy tròn các loại; thu nộp ngân sách Nhà nước 58,9 triệu đồng. Tuy vậy, tất cả các vụ bị phát hiện và xử lý đều không vi phạm quy định quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hoá: Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng trên địa bàn, thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xây dựng dự án đóng mốc ranh giới khu rừng để hạn chế việc lấn chiếm đất rừng đặc dụng trái phép; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kết hợp tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp nhằm giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định…