Tỷ phú VACR ở Văn Hán

Phạm Ngọc Chuẩn  08:09, 04/11/2022

Từ trang trại VACR (vườn, ao, chuồng, rừng), ông Đoàn Văn Bằng, 45 tuổi, xóm Hòa Khê 1, xã Văn Hán (Đồng Hỷ), đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Để phát huy hiệu quả kinh tế trang trại, ông tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương.

Ông Đoàn Văn Bằng chăm sóc vườn bưởi phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Ông Đoàn Văn Bằng chăm sóc vườn bưởi phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Ở thẻo đất xa khuất trung tâm xã, nhưng ông Bằng được nhiều người dân trong vùng biết đến bởi mô hình kinh tế trang trại VACR mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với tổng diện tích hơn 32.000m2 đất, ông cải tạo, thiết kế thành các khu vực trồng rừng, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi.

Ngồi uống trà trong phòng khách, ông mở camera giới thiệu với chúng tôi về quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn thương phẩm. Ông bảo: Các bác muốn xem lợn nhà em chăn như thế nào, cứ ngồi thưởng trà, xem qua màn hình là đầy đủ quy trình. Còn các khu vực trồng cây ăn quả, trồng chè, ao thả cá và rừng cây, các bác thỏa sức tham quan trực tiếp.

Nhìn nương chè tủa búp xanh non; vườn bưởi lúc lỉu quả đợi vụ Tết Nguyên đán 2023 và bầy cá nổi đen lưng trên mặt ao chờ mồi, chúng tôi biết để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Bằng và các thành viên trong gia đình phải đổ nhiều mồ hôi, công sức lao động. 15 tuổi, ông đã trở thành lao động chính trong nhà.

Ông kể: Bấy giờ, nhiều lao động trẻ ở nông thôn bỏ đất đến các khu công nghiệp làm công nhân, nhưng tôi ở lại làng với quyết tâm làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Tôi nhận thức được mảnh đất dưới chân mình có thể sản sinh ra nhiều tài sản. Nhưng tài sản ấy chỉ sinh sôi khi có sức lao động của mình.

Ông sớm trở thành một nông dân thực thụ. Lam lũ, tần tảo và cần kiệm, tuổi trẻ của ông gắn với các nương chè, rừng cây, trại lợn và vườn cây ăn quả. Bà An Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Hỷ, cho biết: Ông Bằng có tố chất khác với nhiều nông dân trong vùng, đó là lòng tự tin, tự trọng, luôn có ý thức biết vượt lên chính mình. Ông tự tin trong sản xuất còn bởi bản thân làm chủ khoa học kỹ thuật, biết vận dụng kinh nghiệm sản xuất truyền thống quý báu của cha ông với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào mô hình kinh tế của gia đình.

Trang trại vận hành khép kín, sản phẩm thừa từ chăn nuôi được xử lý phục vụ cho trồng trọt và ngược lại. Sau cùng là thành quả kinh tế thu hoạch được, với 3.600m2 đất trồng chè; hơn 3.200m2 đất cấy lúa, trồng màu; 3.600m2 đất trồng cây ăn quả; gần 1.000m2 mặt nước thả cá; 600m2 đất xây dựng chuồng trại và hơn 20.000m2 đất trồng rừng sản xuất, năm 2019 ông đạt tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng; năm 2020 tổng doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng; năm 2021 tổng doanh thu đạt hơn 2,1 tỷ đồng.

Ông bảo: Năm 2022 dự kiến tổng doanh thu của trang trại đạt gần 2,3 tỷ đồng. Trừ các khoản đầu tư còn có lãi hơn 1 tỷ đồng, cao hơn năm 2019 hơn 700 triệu đồng. Riêng vườn cây ăn quả cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/năm; chăn nuôi lợn đạt gần 1 tỷ đồng/năm đã trừ chi phí. Dự kiến sang đầu năm 2023 tôi mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi lợn và đầu tư chăn nuôi thêm 10.000 con gà thương phẩm/lứa.

Bởi sống gần gũi, thân thiện, nên ngôi nhà của gia đình ông thường xuyên có bạn tới thăm. Bạn là những nông dân trong vùng đến để sẻ chia kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, như cho cây đậu quả theo ý muốn, cách làm ra sản phẩm chè an toàn, cách phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; kỹ năng tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhiều bà con trong vùng nhờ được ông tư vấn thiết kế vườn bãi, sử dụng vốn vay, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả đã thoát nghèo.