Thị trường ô tô cuối năm khó sôi động

Thu Hằng 07:44, 04/11/2022

Cũng như nhiều mặt hàng khác, cuối năm luôn là thời điểm bán hàng sôi động nhất trong năm của các hãng ô tô. Song năm nay, thị trường này có phần kém sôi động. Nguyên nhân chính được nhiều đại lý ô tô đưa ra đó là: thiếu nguồn hàng, người mua xe khó tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và mức lãi suất quá cao…

Khan hàng là một trong những nguyên nhân khiến thị trường ô tô thời gian qua và những tháng cuối năm trở nên kém sôi động.

Chị Hoàng Minh Hà, chủ một cửa hàng mỹ phẩm trên đường Lương Ngọc Quyến (TP. Thái Nguyên) đang có ý định mua một chiếc xe 5-7 chỗ để vừa phục vụ công việc kinh doanh, vừa có phương tiện đi lại thuận tiện dịp Tết. Chị Hà phân vân giữa một số dòng xe của hãng Honda hoặc VinFast. Với những dòng xe trên dưới 1 tỷ này, nếu vay ngân hàng sẽ được khoảng 700-800 triệu đồng (tương ứng 70-80% giá trị chiếc xe). 

Tuy nhiên, các đại lý xe thông báo rằng, phía ngân hàng đồng ý cho vay với mức lãi suất khoảng 13,5%/năm (trong vòng 5 năm) hoặc 9,5%/năm trong năm đầu tiên, những năm sau đó, lãi suất điều chỉnh theo thị trường. Và các dòng xe chị Hà có ý định chọn mua đều phải đặt cọc trước, đợi sau khoảng 1 tháng mới có hàng. Những điều này khiến chị Hà phải cân nhắc rất nhiều. 

Chị Hà nói: Sau khi tham khảo thông tin, giờ tôi đang băn khoăn không biết có nên mua xe vào thời điểm này hay không? Vì nếu vay ngân hàng để mua xe, tính ra mỗi tháng, tôi phải trả lãi gần chục triệu đồng. Đó là còn chưa kể đến các khoản chi phí khác như bảo hiểm, đăng kiểm và khấu hao xe…

Không riêng chị Hà, nhiều người có ý định mua ô tô phục vụ đi lại dịp Tết trong giai đoạn này cũng đã phải tạm dừng hoặc chuyển hướng sang mua xe cũ để phù hợp với khả năng tài chính của gia đình.. 

Qua thực tế tìm hiểu tại một số đại lý ô tô trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được biết: Do nhiều tháng nay các ngân hàng hạn chế cho vay ra (do đã chạm ngưỡng tín dụng), cùng với đó là mức lãi suất tăng cao đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ xe của các hãng. Bởi trước đây, cứ 10 người mua ô tô thì chỉ có khoảng 3-4 người có khả năng trả thẳng. Số còn lại đều có nhu cầu được hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Nhưng nay, lãi suất tăng quá cao, lại khó vay vốn, nên con số người mua giảm tới một nửa, thậm chí 2/3. 

Việc các ngân hàng hạn chế hỗ trợ vốn đối với các khoản vay của khách hàng trong những tháng qua đã tác động mạnh mẽ đến thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô (ảnh mang tính chất minh họa).

Thay vào đó, phần lớn những người đủ khả năng tài chính, hoặc chỉ phải vay mượn một phần nhỏ mới quyết định mua xe vào thời điểm này. Mặt khác, bản thân các đại lý ô tô không còn được hưởng tiền phần trăm hoa hồng từ các ngân hàng khi giới thiệu khách vay nên cũng kém mặn mà hơn khi giao dịch. Một số chương trình khuyến mại đi kèm khi khách hàng mua ô tô vì thế cũng bị giảm.

Một nguyên nhân khác cũng tác động mạnh mẽ đến việc tiêu thụ của nhiều đại lý ô tô những tháng cuối năm là khan hàng, nhất là đối với dòng xe nhập khẩu, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bởi, tuy các hãng sản xuất ô tô không bị ngừng trệ hoàn toàn, song với việc thiếu một số linh kiện, bộ phận nhỏ để có thể đưa ra thị trường đã khiến người mua xe phải mất cả tháng, thậm chí là vài tháng mới được giao xe, làm giảm sức mua của thị trường.

Theo bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Tài chính, Công ty TNHH Thương mại Vân Đạo (phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên): Doanh nghiệp của tôi làm đại lý cho dòng xe của Suzuki và VinFast. Tuy nhiên, chỉ có Suzuki có lượng xe nhập vào - bán ra tương đối ổn định. Còn với dòng xe của VinFast, việc nhập hàng rất khó khăn. Hãng này có chủ trương dừng xe xăng để chuyển sang xe điện, nhưng cả 2 dòng xe đều sản xuất rất nhỏ giọt, không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì thế, nhiều người sau một thời gian đặt hàng nhưng không được giao xe đã rút tiền cọc về.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc một đại lý ô tô, cũng không ngần ngại chia sẻ: Mặc dù bị ảnh hưởng khá lớn từ việc tín dụng ngân hàng bị siết chặt và lãi suất tăng cao, song trên thực tế, nhu cầu về ô tô trên thị trường vẫn ở mức cao, nhất là đối với những dòng xe sang, xe mới. Nắm bắt tâm lý này nên nhiều đại lý đã đưa ra yêu cầu khách hàng khi mua xe phải mua kèm bảo hiểm, lắp đặt nội thất, camera… với trị giá từ 10-50 triệu đồng.

Ông Tuấn lý giải: Khi các đại lý phải chấp nhận khuyến mại, giảm sâu, thậm chí bán lỗ đối với những mẫu xe đời cũ, thì họ cũng phải tìm cách để bù đắp lại bằng các dòng xe mới, để tránh thua lỗ.

Theo đại diện một số đại lý ô tô trên địa bàn, thị trường ô tô Thái Nguyên trong thời gian tới vẫn tương đối khó đoán. Song nhiều khả năng, nhu cầu sẽ tăng hơn so với quý III/2022, song mức tăng được cho là không quá cao, do nhiều hãng xe vẫn tiếp tục gặp khó trong việc nhập hàng, cùng với đó là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để mua xe. 

Theo các chuyên gia về thị trường, việc mua xe vào thời điểm nào là thích hợp tuy không có đáp án chung cho tất cả mọi người, nhưng bài toán về lợi ích từ việc mua xe thì lại rất cần được mỗi người cân nhắc, nhất là trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao như hiện nay và nền kinh tế trong nước đang chịu tác động mạnh của kinh tế toàn cầu đang trên đà suy thoái.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), Thái Nguyên hiện có xấp xỉ 105 nghìn xe ô tô. Trong đó, xe con chiếm khoảng 70%; xe tải khoảng 25%, còn lại là các xe khác. 6 tháng đầu năm 2022, số ô tô đăng ký mới đạt gần 8.100 xe (trung bình 1.400 xe đăng ký mới/tháng). Tuy nhiên, từ tháng 7 đến hết tháng 10, trung bình có 920 xe đăng ký mới/tháng, giảm 35% so với 6 tháng đầu năm. Riêng trong tháng 10 có 1.031 xe đăng ký mới, tăng nhẹ so với quý III, nhưng so với cùng kỳ năm 2021 vẫn giảm 11%.